Bác sĩ Tiêu cho biết nam bệnh nhân tên Vương Hạc, 40 tuổi là kỹ sư điện tử, công việc bận rộn, thường xuyên phải ra ngoài tiếp đãi khách hàng. Bệnh nhân đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Kết quả xét nghiệm máu và siêu âm bụng cho thấy bệnh nhân bị thừa cân, gan nhiễm mỡ mức độ trung bình.
Khi nhận chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ, ông Vương khá lo lắng. Tuy nhiên, bác sĩ Tiêu cho biết tình trạng của ông chưa quá nghiêm trọng, có thể điều chỉnh chế độ ăn để cải thiện chức năng gan.
Bác sĩ Tiêu khuyên ông Vương nên giảm ăn các đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa nhiều muối, nhiều đường và tăng cường ăn thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau, củ, quả.
Sau khi về nhà, ông Vương quyết định ăn yến mạch, dưa chuột và trứng vào bữa trưa (bữa chính) hàng ngày để bổ sung protein lành mạnh, chất xơ và các loại vitamin, khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Bên cạnh đó, vào bữa sáng và bữa tối, ông Vương cũng quyết định giảm lượng ăn và không tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo, muối và đường.
Ông Vương kiên trì ăn yến mạch, trứng và dưa chuột vào bữa trưa trong suốt 2 tháng. Sau 2 tháng áp dụng chế độ ăn lành mạnh, ông Vương quay lại bệnh viện để tái khám. Kết quả cho thấy ông Vương không chỉ giảm được 10kg mà các chỉ số chức năng gan cũng trở về mức bình thường. Tình trạng gan nhiễm mỡ của ông Vương đã khỏi hoàn toàn.
"Đẩy lùi" gan nhiễm mỡ nhờ chế độ dinh dưỡng
Bác sĩ Tiêu cho biết, gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ quá nhiều trong gan (>5% trọng lượng gan). Ở giai đoạn đầu, gan nhiễm mỡ không gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, gây suy giảm chức năng gan, dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Theo bác sĩ, tình trạng gan nhiễm mỡ có thể cải thiện khi người bệnh thay đổi chế độ ăn uống. Bệnh nhân nên tăng cường ăn các loại rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch và các thực phẩm giàu protein chất lượng cao như ức gà, các loại cá, trứng,...
Các nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng cho người mắc gan nhiễm mỡ đã chỉ ra rằng, thực hiện chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ đặc biệt tốt cho gan do chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Đặc biệt, hàm lượng chất xơ trong rau củ quả có thể giúp ngăn ngừa và giảm sự tích tụ chất béo trong gan, từ đó giúp cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ.
Bên cạnh đó, các thực phẩm như ức gà, cá, trứng,... thường giàu protein nhưng ít chất béo và ít calo hơn các loại thịt đỏ. Do đó, các thực phẩm này đặc biệt phù hợp cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Nguồn protein phong phú trong các loại thực phẩm này cũng hỗ trợ tái tạo, phục hồi các loại mô, tế bào bị tổn thương, bao gồm các tế bào gan bị tổn thương do bệnh gan nhiễm mỡ.
Với trường hợp của ông Vương, bác sĩ Tiêu cho biết ông Vương đã lựa chọn các thực phẩm khá lành mạnh cho bữa chính. Yến mạch và dưa chuột giúp bổ sung chất xơ, trứng bổ sung protein lành mạnh. Ngoài ra, ông Vương cũng hạn chế thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm chứa nhiều đường, muối. Chính những điều này đã giúp ông cải thiện chức năng gan và “đẩy lùi” bệnh gan nhiễm mỡ.
Bác sĩ Tiêu khuyến khích ông Vương tiếp tục thực hiện chế độ ăn lành mạnh này. Tuy nhiên, bác sĩ cũng lưu ý ông Vương cần ăn đa dạng thực phẩm hơn thay vì chỉ ăn yến mạch, dưa chuột và trứng.
Mộc Miên