* Dưới đây là chia sẻ của một phụ huynh trên tờ Sohu (Trung Quốc)
Mới đây, tôi thấy một đoạn video viral trên mạng, cảm xúc trong lòng thật sự rối bời.
Trong bữa cơm gia đình, người bố mắng mỏ cô con gái nhỏ của mình không ngừng mà chẳng hề quan tâm đến cảm xúc của đứa trẻ.
"Ăn nhanh lên, ăn xong rồi làm bài tập. Con nhìn xem này, điểm thi được bao nhiêu, có xứng với công sức bố mẹ bỏ ra cho con ăn học không?".
Trước lời chửi mắng của người bố, con gái chỉ cúi đầu xuống tập trung ăn.
"Con với cái, cả ngày chỉ biết mạng với mẽo, không học hành gì cả, sớm muộn gì cũng vứt đi thôi...".
Dưới những đợt tấn công bằng ngôn từ của người bố, cô con gái hoàn toàn mất kiểm soát, cô bé khóc lóc và la lớn:
"Con phải làm thế nào mới khiến bố hài lòng...".
Cảnh tượng cô bé sụp đổ khiến ai chứng kiến cũng đau lòng.
Nhớ lại một câu của nhà giáo dục Rousseau: "Trái tim của đứa trẻ như là tấm kính dễ vỡ, một khi đã vỡ, sẽ khó có thể khôi phục lại, nếu phụ huynh không biết cách bảo vệ, đó chính là sai lầm lớn nhất".
Cha mẹ chính là người bảo vệ của con cái, là người luôn đứng về phía con, bảo vệ lòng tự trọng và chăm sóc sức khỏe tinh thần của con.
Mỗi hành động mà phụ huynh dành cho con cái, đều sẽ biến thành động lực cho sự phát triển nội tâm của chúng.
Nhưng trong cuộc sống, có nhiều bậc cha mẹ với trái tim "chân thật" nhất lại làm những việc "độc hại" nhất với con, khiến đứa trẻ bị tổn thương khủng khiếp mà cha mẹ lại không hay biết.
01
Khi trẻ còn chập chững tập đi, cha mẹ đã muốn chứng kiến ngày chúng chạy nhảy. Khi đi học mẫu giáo, ở cái độ tuổi nên được chơi nặn đất sét thì chúng ta lại nhét sách vở và bút chì vào tay chúng. Vừa mới bắt đầu vào cấp hai, phụ huynh tiếp tục vội vã bắt chúng học những thứ của cấp ba. Rồi cấp ba chưa qua được nửa chặng đường, cha mẹ lại gấp rút nghĩ hướng đi vào đại học cho chúng.
Nhiều lúc, để không muốn con mình thua kém so với bạn bè đồng trang lứa ngay từ vạch xuất phát, cha mẹ liên tục "thúc đẩy" và tước đi "đặc quyền" được phát triển tự nhiên của con trẻ.
Khi việc giáo dục con cái của cha mẹ biến thành một cách thức trói buộc, nó sẽ làm mất đi khả năng tự do khám phá và sáng tạo của trẻ, khiến chúng không thể vươn cánh bay cao.
MXH từng lan truyền câu chuyện dạy con của một gia đình. Cụ thể, cậu con trai 5 tuổi của gia đình này đã được bố mẹ lên kế hoạch tập piano ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, cậu bé không hề thích học piano, đối diện với sự thúc ép của phụ huynh, cậu bé bắt đầu chống đối và không ít lần tranh cãi với bố mẹ.
Sau đó, cha của đứa bé đã tỉnh ngộ trước, ông nói với vợ mình: "Học piano là để con cảm thụ nghệ thuật, mà khổ luyện piano theo cách đáng sợ này chỉ mang lại cho con sự đau khổ”.
Lời nói của ông bố đã đánh thức được mẹ của đứa bé rằng chúng ta không nên ép buộc trẻ, mà tôn trọng ý muốn của chúng, rồi để chúng tự chọn lựa điều làm mình yêu thích.
Cuối cùng, cậu bé đã chọn học vẽ. Vợ chồng ông lúc này dù không hề thúc ép con học, nhưng thái độ của con lại thay đổi hoàn toàn, mỗi ngày đều tự giác vẽ và chưa bao giờ than phiền là "mệt" hay "không hứng thú". Rất nhanh sau đó, sự khổ luyện của đứa bé đã có kết quả.
Trẻ em không phải tác phẩm của cha mẹ, mà chúng nên là người tự nắm bút vẽ cuộc đời của chính mình.
Chỉ khi tìm thấy động lực trong lòng, chúng mới có thể kiên trì đi trên hành trình phía trước.
Có người từng nói như thế này: "Ánh sáng của giáo dục không nên che lấp đi ánh sáng của trẻ, sự can thiệp quá mức sẽ tước đoạt tiềm năng của trẻ một cách vô hình".
Mọi việc liên quan đến sự phát triển của trẻ đều là chuyện nhỏ, nhưng lại không có gì là nhỏ, cha mẹ làm hết mọi thứ thay cho con chỉ là giảm bớt nỗi lo lắng cho bản thân, nhưng lại ích kỷ tước đi cơ hội trưởng thành của con.
Chỉ khi bạn cho trẻ nhiều sự lựa chọn và tự do quyết định hơn, trao lại quyền lực cho trẻ, cho phép chúng tự mình lớn lên, con đường tương lai phía trước, trẻ mới có thể đi xa hơn.
02
Có một sự thật đáng buồn rằng vì sự vui thích nhất thời, trẻ sẵn lòng chịu đau để "được" đánh. Chẳng hạn, khi phụ huynh nói "nếu con chơi game, mẹ sẽ phạt con… ", nhiều đứa trẻ khi nhận được lời thương lượng này sẽ sẵn sàng chịu đánh.
Trong tình huống này, phương pháp giáo dục thương lượng không những không đạt được hiệu quả, mà còn trở thành phương tiện để trẻ đạt được mục đích của mình.
Trong cuộc sống, cách giáo dục này rất phổ biến: Hoàn thành bài tập, sẽ cho xem tivi; Đạt hạng nhất, sẽ thưởng tiền; Chỉ cần nghe lời, sẽ được ăn đồ ăn ngon...
Thật ra, "phần thưởng" trong cách giáo dục con là cần thiết. Nhưng khi "phần thưởng" trở thành một món đồ thỏa thuận, thì "phần thưởng" đó cũng mất đi ý nghĩa khích lệ.
Nếu cha mẹ sử dụng phần thưởng quá mức, trẻ sẽ phụ thuộc vào nó.
Trong tâm lý học có một hiệu ứng "lý do quá mức":
Nó ám chỉ rằng lý do bên ngoài quá mức có thể gây hại cho động lực nội tại.
Nói cách khác, nếu cha mẹ thường xuyên sử dụng phần thưởng bên ngoài để khích lệ trẻ, sẽ làm giảm động lực nội tại của chúng.
Cách hiệu quả nhất để thay đổi một người không phải là đe dọa, không phải là thưởng - phạt, mà là sự quan tâm từ trái tim và biểu hiện tình yêu đối với họ.
Giáo dục thực sự là để đánh thức động lực nội tại của trẻ, chứ không phải sử dụng các phương tiện để đạt được mục đích.
Những đứa trẻ có động lực nội tại mạnh mẽ không cần quá nhiều sự giám sát từ bên ngoài, chúng có thể tự giác học hành, chúng biết mình muốn gì và biết làm thế nào để thực hiện mục tiêu.
Cha mẹ tôn trọng và hướng dẫn sở thích của trẻ, cung cấp phản hồi tích cực, trẻ mới có thể tiếp tục tiến bộ trên con đường học vấn, không ngừng vượt qua chính mình.
03
Cha mẹ càng lo lắng, trái tim của trẻ càng mong manh.
Chuyên gia tâm lý từng nói: "Cha mẹ coi trọng điều gì ở trẻ con quá mức, trẻ con sớm muộn gì cũng sẽ gặp rắc rối với chuyện đó".
Quả thật, khi "sự quan tâm" của cha mẹ đối với con cái ngày càng nặng nề, sự quan tâm ấy sẽ trở thành gánh nặng cho trẻ. Nó sẽ làm suy yếu sức mạnh nội tâm của trẻ, khiến trẻ dần dần trở nên yếu đuối và không còn sức mạnh.
Bạn lo lắng điều gì, điều đó sẽ kiểm soát bạn.
Nếu như cha mẹ lùi lại một bước, trao cho con cái nhiều hơn sự tin tưởng và tôn trọng, dũng cảm buông tay để chúng tự mình thử sai và trải nghiệm, trẻ sẽ có thể tìm thấy hướng đi cho mình từ sự mơ hồ.
Đối với cha mẹ, quan tâm đến con là bản năng, nhưng việc kiềm chế được những lo lắng không cần thiết, đó mới là tài năng.
Tất nhiên, để một đứa trẻ trở nên tốt hơn, không phải chỉ vì cha mẹ lo lắng ít đi, mà tâm trạng của trẻ sẽ tự nhiên tốt lên. Nhưng có một nghịch lý ở đây mà phụ huynh cần hiểu rõ: Khi cha mẹ buông tay con, trẻ sẽ phải trải qua một khoảng thời gian mơ hồ và chán nản, sau đó mới có thể cảm nhận được sức mạnh của tự do và trở nên tốt hơn.
04
Trong giáo dục, cha mẹ rất dễ rơi vào "vòng xoáy cảm xúc", dùng thái độ hung hăng để dọa nạt con cái.
Đúng vậy, phương pháp giáo dục con của nhiều bậc phụ huynh chính là đập bàn, mắng chửi con, thậm chí la lên với con rằng: "Con làm cho mẹ thất vọng lắm"; "Con có biết bố đã vất vả thế nào không?".
Tất cả những điều này đều là cảm xúc tiêu cực, trong mắt cha mẹ, hiệu quả của việc tức giận một lần, xa hơn nhiều so với việc nhẫn nại để giảng lý lẽ.
Nhưng mỗi lần chúng ta tức giận với con cái, dù có thể kiểm soát được "sự ngang bướng" của chúng tạm thời, nhưng lại tăng thêm "hận thù" trong con.
Một người có cảm giác an toàn không phải là người đã tiêu diệt hết ham muốn, mà là người có sự nhận thức rõ ràng về cảm xúc của mình.
Cha mẹ cần dạy con rằng:
Mỗi người đều có cảm xúc tiêu cực, mẹ tức giận không phải là lỗi của con, nhưng mẹ cần thời gian để xử lý.
Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Nếu cha mẹ không xử lý tốt cảm xúc của mình mà quay lại "quản lý" con cái, họ chỉ có thể dùng cách la hét để biểu đạt tâm tư, suy nghĩ, con cái sẽ không học được bất kỳ giá trị đúng đắn nào từ cha mẹ, thậm chí còn làm méo mó hành vi và phản ứng cảm xúc của trẻ. Sau này khi trẻ trưởng thành, chúng cũng sẽ đối xử với con cái của chúng bằng cách tương tự.
Cách người nuôi dưỡng chúng ta trả lời chúng ta trong thời thơ ấu, sau này sẽ trở thành cách chúng ta phản hồi lại bản thân mình, và truyền đạt lại cho thế hệ tiếp theo.
Kết
Cha mẹ là tấm gương để trẻ hiểu và nhận thức về thế giới này.
Nếu cha mẹ luôn không kiểm soát được mình, dùng cảm xúc để áp đặt con cái, trẻ sẽ trở nên nhạy cảm, dễ cáu kỉnh, thiếu cảm giác an toàn. Những phụ huynh có nhận thức đúng đắn hơn, đa số sẽ giải quyết vấn đề bằng cách khích lệ chứ không phải đánh đập, là khơi dậy chứ không áp chế, trẻ sẽ có tâm hồn tràn đầy sự lạc quan và hy vọng, mỗi bước đi trong quá trình trưởng thành đều vững chắc và mạnh mẽ.
Có người từng nói rằng: "Những gì cha mẹ làm cho con cái, tất cả sẽ nở hoa và kết trái, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc đời, mà còn quyết định cuộc đời chúng".
Tất cả nguồn gốc của trẻ em, chính là nhận thức và hành vi của cha mẹ.
Khi cha mẹ bỏ qua nhu cầu tinh thần của trẻ em, không thể cung cấp đủ sự quan tâm, hiểu biết và hướng dẫn, sẽ khiến tâm hồn của trẻ trở nên cằn cỗi, thiếu sức sống.
Cha mẹ lý tưởng nhất chính là đất màu mỡ để tâm hồn của trẻ em nở hoa, giúp trẻ phát triển mạnh mẽ và kết trái.
Khó khăn lớn nhất mà trẻ em phải vượt qua, chính là bức tường cao mà cha mẹ xây dựng bằng sự nhận thức thấp.
Theo Sohu
Đông