Trần Vân là một thợ trang điểm khá có tiếng tại Sơn Tây (Trung Quốc). Ở tuổi 35, cũng là thời điểm được cô nhận định đỉnh cao sự nghiệp của mình, cô đột ngột phát hiện mắc ung thư thực quản. Sau khi phân tích bệnh sử và lối sống, bác sĩ nhận định nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ sai lầm khi dùng lò vi sóng của cô trong nhiều năm qua.
Được biết, vì quá mải mê công việc nên Trần Vân vẫn độc thân, sống một mình xa gia đình. Các bữa ăn của cô chủ yếu là thức ăn nhanh hoặc đồ ăn thừa ngày hôm trước, các món nấu nhiều một lần rồi bảo quản tủ lạnh sau đó quay trong lò vi sóng.
Tuy nhiên, cô không quan tâm thực phẩm nào hay loại hộp nhựa nào, màng bọc thực phẩm nào mới dùng được trong thiết bị này. Nhiều năm cô không vệ sinh kỹ lò vi sóng, dẫn tới nấm mốc phát triển. Bác sĩ giải thích rằng những chất độc, nấm mốc ngấm dần vào thực phẩm, xâm nhập cơ thể và tích tụ trong nhiều năm đã âm thầm “kích hoạt” tế bào ung thư. Chưa kể, cô còn thường xuyên ăn vội khi thực phẩm còn rất nóng, hay thức khuya, ăn uống thất thường - đều là yếu tố tăng nguy cơ ung thư.
4 thói quen dùng lò vi sóng dễ gây bệnh tật, ung thư
Sau đây là một số thói quen xấu phổ biến khi sử dụng lò vi sóng gây hại cho sức khỏe và làm mất đi giá trị dinh dưỡng của thực phẩm được bác sĩ nhắc nhở:
Dùng sai dụng cụ đựng thức ăn
Một sai lầm thường gặp là sử dụng các hộp nhựa, hộp xốp, màng bọc hoặc dụng cụ không phù hợp với lò vi sóng. Khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, các vật liệu này sẽ giải phóng các hóa chất độc hại như BPA (bisphenol A), có thể xâm nhập vào thức ăn và gây rối loạn nội tiết, ung thư và các vấn đề sinh sản. Ví dụ, khi dùng hộp nhựa không chịu nhiệt để hâm canh hoặc súp, các hóa chất này có thể tan ra và ngấm vào thực phẩm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Do đó, hãy sử dụng hộp thủy tinh, gốm sứ hoặc nhựa an toàn, các loại màng bọc được ghi chú có thể dùng trong lò vi sóng.
Mở cửa lò hoặc không đóng kín hộp đựng thực phẩm khi sử dụng
Mở cửa lò vi sóng quá sớm hoặc không đậy kín nắp hộp thực phẩm khiến hơi nước thoát ra ngoài, làm thức ăn không chín đều. Điều này khiến một số vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm. Hơn nữa, thực phẩm không được làm nóng đều cũng có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng và tạo ra các chất gây ung thư.
Giải pháp là luôn đậy kín nắp hộp hoặc dùng màng bọc thực phẩm. Đợi 30 giây tới 1 phút sau chu trình quay xong mới mở cửa lò để giữ độ ẩm và tránh vi khuẩn, tránh bỏng.
Cho thực phẩm không phù hợp vào lò vi sóng
Một số thực phẩm như trứng nguyên vỏ, quả hạch có thể gây cháy, nổ và tạo ra chất độc hại khi quay trong lò vi sóng. Thịt ba chỉ, xúc xích, khô bò và các thực phẩm khô, nhiều dầu mỡ khác không nên hâm nóng trong lò vi sóng bởi những thực phẩm này có thể nóng lên ngay lập tức trong thời gian ngắn, dễ cháy và sinh ra chất gây ung thư chẳng hạn như benzopyrene, amin dị vòng và acrylamide.
Trước khi cho thực phẩm vào, kiểm tra tính phù hợp và sơ chế trước. Ví dụ như trứng đập ra bát hoặc đục lỗ trên vỏ.
Không vệ sinh lò vi sóng thường xuyên
Giống như mọi thiết bị khác, lò vi sóng cũng cần vệ sinh đúng cách và thường xuyên. Nếu không, dầu mỡ và cặn thức ăn sẽ tích tụ, tạo ra các chất độc hại và vi khuẩn. Nấm mốc cho tới các vết mỡ bám trong lò có thể cháy trong quá trình hâm nóng và sản sinh ra các chất gây ung thư. Ngoài ra còn nhanh hỏng thiết bị.
Giải pháp là nên lau chùi lò vi sóng sau mỗi lần sử dụng, khi vương vãi thực phẩm và vệ sinh kỹ 1 tuần 1 lần. Lau chùi thành lò và khay đựng bằng các chất tẩy rửa an toàn. Sử dụng giấm hoặc nước chanh pha loãng để làm sạch các vết bẩn cứng đầu.
Nguồn và ảnh: Sohu, Asian One
Ngọc Ái