Mỹ: Quân Triều Tiên bắt đầu giao chiến ở Kursk
Theo tờ Korean Times (Hàn Quốc), chính phủ Mỹ trong ngày 12/11 tuyên bố các nhóm quân Triều Tiên được triển khai tới tỉnh Kursk của Nga đã bắt đầu giao chiến chống lại lực lượng vũ trang Ukraine tại đây.
Trước đó, thông tin về các cuộc giao tranh với lực lượng Triều Tiên đã được phía Ukraine đưa ra từ ngày 4/11 và 7/11.
Ngày 10/11, một chỉ huy Ukraine cung cấp thêm thông tin cho CNN rằng, quân đội Triều Tiên vừa tham chiến trực tiếp ở Kursk, vừa tham gia hoạt động phòng thủ ở tỉnh Belgorod lân cận. Trong số các binh sĩ Triều Tiên tham chiến có lính pháo binh và lính bắn tỉa chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Washington cho biết họ chưa thể xác nhận các thông tin này.
"Chúng tôi vô cùng lo ngại về quyết định của Nga khi nhờ Triều Tiên hỗ trợ quân lực để tiếp tục cuộc chiến chống lại Ukraine" - phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12/11.
"Hôm nay, chúng tôi có thể xác nhận rằng, hơn 10.000 binh sĩ Triều Tiên đã được đưa tới miền đông nước Nga, sau đó phần lớn di chuyển tới tỉnh Kursk ở phía tây và tại đây, họ đã bắt đầu tham gia vào các hoạt động chiến đấu cùng lực lượng Nga" – Ông Patel nói.
Đại diện ngoại giao Mỹ đồng thời lưu ý, quân đội Nga đã huấn luyện binh sĩ Triều Tiên vận hành các hệ thống pháo, máy bay không người lái (UAV) và tiến hành các hoạt động bộ binh cơ bản nhưng quan trọng trong tác chiến tiền tuyến.
Tuy nhiên, ông cho rằng, thành công của Nga trên chiến trường khi huy động quân đội Triều Tiên phần lớn vẫn phụ thuộc vào khả năng tương thích và phối hợp giữa binh sĩ Triều Tiên với binh sĩ Nga.
"Một số thách thức mà họ cần phải vượt qua là khả năng tương tác, rào cản ngôn ngữ, năng lực chỉ huy-kiểm soát và liên lạc" – ông Patel nói. "Mỹ đang tham vấn chặt chẽ cùng các đồng minh và đối tác ở nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực về các tác động của diễn tiến này".
Theo Korean Times, việc Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên tham chiến tại Kursk diễn ra đúng vào thời điểm Chủ tịch Kim Jong Un đang hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga.
Hiệp ước này bao gồm một điều khoản phòng thủ chung đề cập rằng nếu một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh do bị một hoặc nhiều phía tấn công vũ trang, thì bên còn lại trong Hiệp ước sẽ ngay lập tức "cung cấp hỗ trợ quân sự bằng mọi cách có thể theo Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc và tuân thủ luật pháp Nga, Triều Tiên".
50.000 quân Nga và Triều Tiên mở chiến dịch tấn công lớn tại Kursk
Trước đó, hôm 10/11, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ và Ukraine cho biết, quân đội Nga đã tập hợp lực lượng gồm 50.000 binh sĩ, bao gồm quân nhân Triều Tiên, chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công lớn nhằm giành lại các địa bàn do Ukraine nắm quyền kiểm soát tại Kursk.
Theo một quan chức an ninh Ukraine, lực lượng Triều Tiên đã được chia làm 2 nhóm, một đơn vị tấn công và một đơn vị hỗ trợ, nhằm giúp Nga đảm bảo an ninh bên trong các địa bàn đã giành lại được từ tay Ukraine.
Tới ngày 11/11, phát ngôn viên của Lữ đoàn cơ giới độc lập số 47 thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine bà Anastasiia Blyshchyk thông báo, lực lượng Nga-Triều Tiên đã phát động nhiều đợt tấn công vào Kursk trong ngày.
"Họ đã tấn công bằng một lực lượng với quy mô tiểu đoàn" – Bà Blyshchyk nói, nhưng lưu ý quân đội Ukraine đã phá hủy các phương tiện cũng như trang thiết bị của Nga, đánh dấu "một ngày đen tối đối với Moscow".
Trong một bài đăng trên Telegram cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, quân đội Ukraine đang "tiếp tục ngăn chặn" lực lượng 50.000 quân Nga-Triều Tiên tại Kursk.
Nói với New York Times, các quan chức Mỹ tin rằng, quân đội Ukraine sẽ khó bị đánh bật, và quân đội Nga-Triều Tiên có thể sẽ chịu tổn thất nặng nề, tương tự như những gì Nga phải hứng chịu ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, nếu giành được động lực, Nga có thể không dừng lại ở việc đánh bật quân Ukraine ra khỏi biên giới, mà có thể tìm cách đẩy lùi họ ra xa hơn nữa.
Triều Tiên có lực lượng quân đội quy mô lớn và đã không tham gia chiến đấu trên bộ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, quan chức Ukraine nói rằng, các nhóm quân Triều Tiên được triển khai tại Kursk thuộc diện "tinh nhuệ nhất", được rút ra từ Quân đoàn 11 – lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên.
"Về mặt quân sự, 10.000 quân tương đương với 3 lữ đoàn. Hãy tưởng tượng bây giờ Nga rút 10.000 quân ra khỏi tuyến phòng thủ thứ hai, đưa quân Triều Tiên vào thay thế, sau đó gửi 3 lữ đoàn này tới một trong những mặt trận nóng nhất (tại Ukraine). 3 lữ đoàn này có phải là một nguồn lực lớn không? Chính xác là có" – Một chỉ huy của Ukraine nói với CNN.
Giới quan chức Mỹ hiện chưa rõ liệu chính phủ Triều Tiên sẽ cho phép lực lượng của họ tiến hành các hoạt động kéo dài ở Ukraine, hay chỉ tham gia cuộc phản công tại Kursk. Một số quan chức dự đoán rằng, Bình Nhưỡng có thể sẽ ra lệnh cho quân đội của mình chỉ dừng lại ở biên giới Nga, trong khi quân đội Nga tiến sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine.
Bên cạnh đó, Washington cũng không rõ liệu Triều Tiên có gửi thêm quân tiếp viện hay không. Một quan chức cấp cao Ukraine nói rằng, tình báo Ukraine dự đoán Triều Tiên có thể gửi tới Nga 100.000 quân.
Ông George Barros – chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ) ví việc Triều Tiên đưa quân tới Nga như "một đường ống thay thế".
"Có khả năng sẽ không dừng lại ở một đợt chuyển quân 10.000 lính" – Ông Barros nói – "Nhiều khả năng sẽ là các đợt chuyển quân thường xuyên với số lượng hàng nghìn binh sĩ, có thể lên tới 15.000 người mỗi tháng".
Tùng Chi