TP.HCM: 50% phương tiện đi đăng kiểm không đạt tiêu chuẩn
Tại họp báo thường kỳ chiều 29/12, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thông tin, hiện thành phố có khoảng 43.000 xe đến hạn đăng ký kiểm định. Trung bình mỗi tháng có tổng số 54.000 xe đến hạn đăng ký kiểm định.
Nêu lý do về tình trạng ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm, ông An cho rằng, do nhiều trung tâm bị đình chỉnh, người dân dồn về một nơi kiểm định. Lượng phương tiện không đạt khi đi đăng kiểm chiếm 50%.
"Người dân lo lắng còn 15 - 30 ngày nên đi đăng kiểm cũng góp phần xảy ra ùn ứ. Chỉ nên đăng kiểm khi gần hết hạn, khoảng 5 ngày", ông An nói và khuyến cáo người dân nên chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện trước khi đi kiểm định.
Theo ông An, Sở GTVT đã thống nhất việc các trung tâm đăng kiểm sẽ nghỉ vào Chủ nhật và thứ Hai làm việc với cường độ tăng cường như hiện tại.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm liên quan dự án giao thông
Thanh tra Chính phủ vừa công bố thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện một số dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ còn dư tại các dự án nâng cấp, cải tạo QL và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Trong đó, Chính phủ rà soát quy mô, thiết kế, hiệu quả và phân bổ 14.259 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư cho 22 dự án. Theo đó, Thủ tướng quyết định giao danh mục dự án và kế hoạch vốn dư thành 3 đợt cho 43 dự án với tổng số vốn theo kế hoạch là gần 18.000 tỷ đồng.
Kết luận cho biết, đến thời điểm thanh tra các dự án đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc tổng thể. Quá trình thanh tra tại 7 dự án, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện nhiều vi phạm.
Về việc quản lý, sử dụng vốn dư, TTCP xác định, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình Thủ tướng giao danh mục dự án đầu tư và kế hoạch vốn tiếp tục còn dư cho các dự án, trong đó có 8 dự án chưa đủ điều kiện theo quy định tại Nghị quyết 99/2015 của Quốc hội.
Đề cập đến quản lý đầu tư xây dựng, TTCP xác định, Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông Kon Tum và Sở Giao thông vận tải tỉnh này lập, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến đường tránh TP.Kon Tum quy mô đầu tư đường cấp IV không đúng quy định, dẫn đến phải phê duyệt điều chỉnh quy mô thành đường cấp III.
Tại dự án thành phần đầu tư xây dựng cơ bản tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ (Ninh Bình) với Quốc lộ 1A, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tổng mức đầu tư dự án không đúng. Việc này dẫn đến giao vốn vượt nhu cầu của dự án (vốn tồn đọng đến thời điểm thanh tra là trên 926 tỷ đồng).
Việc quản lý thi công công trình, TTCP kết luận, dự án tuyến đường tránh TP Kon Tum có hồ sơ dự thầu của nhà thầu không nêu rõ xuất xứ vật tư, báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu của chủ đầu tư không đánh giá từng thành viên liên danh thực hiện các gói thầu, sai quy định về hồ sơ mời thầu.
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối Quốc lộ 1A đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ven biển tỉnh Quảng Nam, Ban quản lý dự án 5 đánh giá hồ sơ dự thầu đối với Gói thầu số 09 quá 24 ngày; ký kết hợp đồng thi công không quy định về số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán là vi phạm Nghị định 37/2015 của Chính phủ.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh, dự án xây dựng mới đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn- Đất Mũi (giai đoạn II), hồ sơ mời thầu (gói thầu xây lắp) không quy định rõ nội dung và nguyên tắc sử dụng chi phí dự phòng làm cơ sở cho nhà thầu chào thầu.
TTCP kiến nghị xử lý về kinh tế bằng cách giảm trừ thanh toán hợp đồng tổng số tiền trên 8 tỷ đồng tương ứng giá trị các phần việc nhà thầu thực hiện không đúng theo hợp đồng.
Hà Nội thí điểm không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông
Ngày 29/12, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo phân luồng tổ chức giao thông phục vụ hoạt động thí điểm không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận. Thời gian thực hiện thí điểm bắt đầu từ ngày 31/12/2022 đến ngày 31/12/2023.
Thời gian hoạt động tuyến phố đi bộ vào hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Giờ hoạt động mùa Hè từ 7 giờ 30 phút ngày thứ 7 đến 24 giờ ngày Chủ nhật; mùa Đông từ 8 giờ thứ 7 đến 24 giờ Chủ nhật.
Phương án phân luồng tổ chức giao thông cụ thể là cấm toàn bộ các phương tiện lưu thông trên phố Trần Nhân Tông đoạn từ ngã ba Trần Bình Trọng-Trần Nhân Tông đến ngã ba Quang Trung-Trần Nhân Tông; tổ chức phân luồng cho các phương tiện đi qua khu vực tổ chức không gian đi bộ theo các hướng: Lê Duẩn-Trần Bình Trọng-Nguyễn Du-Quang Trung-Nguyễn Đình Chiểu và từ đường Nguyễn Đình Chiểu-Trần Nhân Tông-Quang Trung-Nguyễn Du-Lê Duẩn hoặc Nguyễn Du-Trần Bình Trọng-Lê Duẩn.
Cục Đường bộ thúc tiến độ lắp ca bin học lái xe ô tô
Cục Đường bộ VN vừa có văn bản yêu cầu các sở GTVT quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX).
Theo Cục Đường bộ VN, thời gian qua, Sở GTVT các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Tuy nhiên, việc đầu tư ca bin tập lái xe ô tô của các cơ sở đào tạo lái xe còn chậm so với yêu cầu. Việc ứng dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe hoạt động chưa ổn định. Cùng đó, có hiện tượng một số xe ô tô đào tạo, sát hạch lái xe chưa đảm bảo tiêu chuẩn.
Để thực hiện nghiêm quy định đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Cục Đường bộ VN yêu cầu các Sở GTVT thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất ca bin học lái xe ô tô tại địa phương thực hiện các thủ tục và công bố hợp quy theo quy định. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư ca bin học lái xe ô tô đảm bảo lộ trình theo quy định.
Kiểm tra, rà soát đội ngũ giáo viên, xe tập lái, sân tập lái đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; kiểm tra việc lắp đặt, cung cấp dữ liệu từ thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường (dữ liệu DAT) đảm bảo chính xác, trung thực.
Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ GTVT, bắt đầu từ ngày 1/1/2023, các trung tâm đào tạo lái xe ô tô phải áp dụng ca bin điện tử trong đào tạo lái xe. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều trung tâm vẫn chưa trang bị thiết bị này.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)