Tôi năm nay 70 tuổi. Ở ngưỡng gần đất xa trời, tôi chỉ mong cầu có một cuộc sống bình an, con cái trưởng thành hiếu thảo.
Tôi có 3 người con trai, Hùng, An, Trường. Chúng đều đã lấy vợ, sinh con và ra thành phố lập nghiệp. Mỗi tháng 1 lần, chúng nó sẽ thay phiên nhau về quê thăm tôi, hoặc có khi là cả 3 cùng về vào những dịp lễ tết, giỗ chạp.
Ngược dòng thời gian về trước, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo nên chẳng được đi học. Ngày ngày theo chân bố đi làm mộc, từ đầu tóc đến quần áo lúc nào cũng dính đầy bụi và mùn cưa. Vất vả là vậy nhưng làm bao nhiêu cũng chẳng đủ ăn. Chưa kể các cụ ngày xưa toàn đẻ nhiều lắm, dưới tôi còn có tới 6 đứa em.
Đến năm 18 tuổi, thương bố mẹ và các em quá khổ, tôi quyết định ra đi tìm kiếm cơ hội để thay đổi cuộc đời. Tôi đến làng nghề chuyên chế tác gỗ rồi xin vào một xưởng lớn học việc, học cách họ làm kinh doanh. Ngày đầu tiên gặp ông chủ - chú Quang (ân nhân của tôi) hỏi tôi vì sao lại đến đây, tôi dõng dạc đáp lại: Cháu muốn trở nên giàu có.
Chú Quang cười lớn rồi nhận tôi vào làm. Tôi biết khi ấy chú chỉ coi tôi như thằng trẻ con, nhưng đâu biết đấy là khát khao cháy bỏng của một gã thanh niên buộc phải lớn trước tuổi.
Mới đầu, chú chỉ giao cho tôi những công việc vặt vãnh như đánh giấy ráp hay quét dọn vào cuối ngày. Làm được 1 tuần thì tôi không chịu, tôi bảo: "Cháu ở quê đã đi làm mộc cùng bố từ khi 13 tuổi, cháu muốn học những cái khó hơn, chú hãy dạy cho cháu".
Để chú tin tưởng, tôi lấy một khúc gỗ rồi "biểu diễn" vài đường để khoe tay nghề. Tưởng rằng sẽ được khen, ai ngờ chú Quang cười khẩy: "Thế mà cũng nói cho to, chưa lo học đã muốn làm thầy".
Từ hôm đó, tôi vẫn phải làm các công việc như trước nhưng mỗi ngày chú Quang đều dành ra 2 tiếng để dạy tôi thêm các kĩ thuật. Chú luôn nói rất thương tôi, trai tráng 18 tuổi mà người gầy nhom, tháng nào được vài đồng tiền công cũng đem về hết cho bố mẹ.
Dần dần từ thợ phụ tôi được lên làm thợ chính, từ những đồ vật đơn giản tôi đã chế tác được những sản phẩm tinh xảo, giá trị cao.
Khi đã lành nghề, chú Quang lại dẫn tôi theo đi gặp khách hàng trong mỗi lần giao dịch để tôi được mở mang đầu óc và rèn luyện khả năng kinh doanh. Tuy không được học hành tử tế nhưng ông trời phú cho tôi tính cách nhanh nhẹn, học đâu vào đấy, cùng khả năng ăn nói dõng dạc, đáng tin cậy. Cứ như vậy, tôi trở thành đệ tử số 1 của chú Quang từ lúc nào không hay.
Đến năm 30 tuổi, bất ngờ một buổi tối chú gọi tôi đến và nói: "Nay cháu đã học nghề được 12 năm, chú sẽ cho cháu vay một khoản tiền để cháu tự mở xưởng của mình và sẽ giúp cháu đầu ra tiêu thụ các sản phẩm ban đầu. Về sau, cháu hãy tự mình phát triển".
Tôi vui sướng đến mức rơi lệ, cứ thế khóc nấc lên như một đứa trẻ. Suốt 30 năm qua tôi đã cực khổ đến nhường nào để giờ đây mọi nỗ lực đã được đền đáp. Cuộc đời tôi giống như được chú dẫn dắt bước sang một trang mới dù biết rằng phía trước còn lắm gian nan.
Tôi trở về nhà và theo đúng kế hoạch đã vạch ra. Tiền tài, danh vọng kéo đến tuy không quá rực rỡ nhưng cũng đủ để bố mẹ tôi nở mày nở mặt. Hơn nữa, tôi không chỉ đang tự cứu chính mình mà còn tạo công ăn việc làm cho những người khác.
Năm 38 tuổi thì tôi cưới vợ, cô ấy sống cùng quê, chỉ cách nhà tôi khoảng 1km. Cùng xuất thân trong cảnh bần hàn nên chúng tôi luôn tự nhắc nhở lẫn nhau dù kinh tế có khá giả hơn cũng không được phung phí, phải tiết kiệm để sau này về già không phải làm phiền tới các con.
Cô ấy lần lượt sinh cho tôi 3 cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng bất hạnh thay, khi cháu út được 5 tuổi thì vợ tôi qua đời trong một vụ tai nạn. Nếu ai trong tình cảnh của tôi thì sẽ hiểu gà trống nuôi con vất vả đến nhường nào. Tôi vừa phải lao vào kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống cho các con, vừa phải gánh vác trọng trách của một người mẹ. Đã rất nhiều lần mọi người khuyên tôi nên cưới vợ mới nhưng tôi đều từ chối, tôi hiểu các con tôi cần bố đến nhường nào.
Thời gian thấm thoắt qua đi, các con tôi đều được học hành tử tế, ra trường có công ăn việc làm và lập gia đình. Đến tận lúc này, khi tóc tôi đã chuyển dần sang màu bạc thì tôi mới thực sự được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Hoặc là không, cũng có thể không hẳn là vậy.
Tháng 8 âm lịch vừa qua là ngày giỗ của vợ, các con tôi đều đưa cả gia đình nhỏ của chúng về quê để thắp hương cho mẹ. Sau khi ăn uống xong, tôi đang nằm trong phòng ngủ thì thấy con cả gọi bố xuống dưới nhà họp gấp.
Hùng nói: "Bố ơi, lúc nãy con mở tủ thờ ra thì phát hiện tờ giấy di chúc này. Bố lập từ bao giờ mà không nói cho chúng con biết. Hơn nữa, bây giờ con mới biết bố có nhiều tài sản như vậy. Tiền bạc thì bố đem đi quyên góp cho các trung tâm, đất đai thì bố hiến cho nhà chùa. Có phải bố già rồi nên hồ đồ rồi không".
Tiếp lời, thằng con thứ hai của tôi tên Trường nói: "Trời ơi, thật không hả anh, sao bố lại có nhiều tiền thế chứ. Sao bao nhiêu năm nay bố không cho chúng con, để chúng con phải đi làm ăn kiếm tiền cực khổ. Tiền nhà của con vẫn còn nợ kia kìa".
Thằng An cũng chả kém cạnh: "Con thì không cho, bố đi cho người ngoài. Giờ con đề nghị bố xé ngay di chúc này đi và viết một cái mới, chia ngay tài sản cho chúng con".
Nghe hết người này đến người khác nói, tôi chỉ bình thản uống một ngụm trà rồi nhẹ nhàng trả lời: "Từ ngày mẹ các con qua đời, bố đã làm việc vất vả không kể hết để nuôi các con. Đến khi bố già đi thì mỗi đứa một phương, bố cũng chưa từng bắt các con chăm sóc hay phải đưa tiền phụng dưỡng bố. Và quan trọng là 3 các con chưa ai phụng dưỡng bố.
Vậy giờ các con có tư cách gì để bắt bố cho các con tiền, đây là tiền của bố, sử dụng ra sao thì đó là quyền riêng tư".
Sau đó, tôi đuổi chúng đi để không phải nghe lời cằn nhằn nữa.
Tuy nhiên, cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Khi đã biết số tài sản mà tôi đang nắm giữ thì chúng đâu có dễ dàng buông tha. Quá đáng hơn, 3 chúng nó còn thuê luật sư soạn thảo sẵn một bản di chúc chia tài sản cho các con mỗi đứa một phần và đem về ép tôi ký vào.
Tôi không tiếc các con, nhưng tôi muốn chúng tự nỗ lực như tôi của thời còn trẻ chứ không phải dựa dẫm cả đời vào bố mẹ. Hơn nữa, tôi muốn mình giống như chú Quang ngày xưa, khi giàu có sẽ đưa tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Giờ đây khi tôi thấu hiểu lòng hiếu thảo của các con chỉ còn khi bố có tiền, vậy thì tôi không cần đến nữa.
Sau đó, tôi quyết định thực hiện di chúc ngay lập tức theo đúng như ý định ban đầu và vào một viện dưỡng lão – nơi các con tôi chẳng đến để sinh sống quãng đời còn lại. Hi vọng, chúng sẽ tỉnh ngộ và sống cho nên người.