Trong kỷ nguyên chuyển đổi số đang diễn ra khắp thế giới, tội phạm công nghệ ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi. Điều này đặt ra việc cần phải giải quyết các vấn đề cấp bách về an ninh mạng để bảo vệ cộng đồng, trong đó có quyền riêng tư và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái.
Đây là vấn đề trọng tâm của Hội thảo "Phụ nữ, hòa bình và an ninh mạng – Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư cho phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng tại Việt Nam" diễn ra vào sáng nay, 22/11, tại Hà Nội.
Buổi hội thảo do Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia Việt Nam và Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women), tổ chức.
Đại diện các đơn vị tổ chức và các đại biểu từ nhiều cơ quan, tổ chức tham dự hội thảo vào sáng 22/11.
Rủi ro với phụ nữ và trẻ em gái trên môi trường mạng
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Cục trưởng A05, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, cho biết: "Công nghệ thông tin ngày càng lan tỏa vào cuộc sống con người, người dùng ngày càng cung cấp nhiều thông tin hơn, dữ liệu cá nhân lên không gian mạng và cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, từ những thông tin cơ bản tới thông tin phản ánh sinh trắc học, tâm lý, suy nghĩ và hành động.
Tuy nhiên, hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển, những thách thức mà nó mang lại cũng tăng theo. Sự gia tăng của tội phạm mạng, tấn công mạng gây ra mối đe dọa thường xuyên với các cá nhân, tổ chức, hòa bình, sự ổn định của các quốc gia. Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em cũng ngày càng cấp thiết hơn".
Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền trưởng đại diện Văn phòng UN Women tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo.
Bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UN Women tại Việt Nam, chia sẻ: "Trong kỷ nguyên này, ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo là một ranh giới rất mong manh đối với tất cả các nhóm dân cư trong xã hội chúng ta, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chính phủ đã và đang luôn đóng vai trò then chốt trong việc định hình các chính sách và biện pháp ứng phó nhằm duy trì hoặc giảm bớt sự chệnh lệch về giới trong quá trình chuyển đổi số và vì một thế giới ảo an toàn nhất cho phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam".
Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi báo cáo chuyên đề tại hội thảo.
Theo Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi, Phó Trưởng phòng An ninh thông tin mạng của A05, trẻ em Việt Nam tiếp cận và sử dụng các thiết bị smartphone, mạng Internet sớm so với thế giới. Cụ thể, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại smartphone là 9 tuổi. Trong khi đó, độ tuổi này trên thế giới là 13 tuổi.
Việc sớm tiếp xúc và sử dụng smartphone quá sớm có thể khiến nhiều trẻ em trở thành nạn nhân trên môi trường mạng. Từ năm 2021 - 2023, Bộ Công an đã xác minh điều tra, xử lý hơn 2.800 vụ việc xâm hại trẻ em, trong đó có 616 vụ việc, đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội (chiếm gần 22%).
Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi nhấn mạnh sở dĩ nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, bị tội phạm mạng tấn công là do tình trạng lộ, mất dữ liệu cá nhân, với 3 nguyên nhân sau.
Thứ nhất, nhận thức và ý thức bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân của người dân chưa cao; tâm lý chủ quan, chưa coi trọng việc bảo mật thông tin, thậm chí sẵn sàng đánh thông tin, dữ liệu của mình để lấy tiện ích của các dịch vụ.
Thứ hai, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có biện pháp bảo vệ chặt chẽ, tương xứng trong quá trình thu nhập, khai thác, chuyển giao dữ liệu khách hàng hoặc người sử dụng.
Thứ ba, việc quản lý, kiểm soát thông tin, dữ liệu có nơi, có lúc còn lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho việc chiếm đoạt, mua bán trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân (bên thứ ba hay nhân viên bán thông tin, dữ liệu của khách hàng để trục lợi).
Thượng tá Nguyễn Huy Lục chia sẻ về thực trạng và giải pháp đối với tội phạm mạng nhắm tới đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái hiện nay.
Thượng tá Nguyễn Huy Lục, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự xã hội của A05, cho biết thêm về một số thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng của tội phạm mạng công nghệ cao nhắm đến đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em.
Trong đó, đáng chú ý là các thủ đoạn: lừa tình (lợi dụng kết bạn, gửi quà tặng cho phụ nữ trên hội nhóm độc thân, thất tình...); lập các sàn, website thương mại điện tử giả mạo để lừa đảo; lập các website giả mạo công ty thời trang để đăng thông tin tuyển người mẫu nhí; mạo danh cơ quan công quyền để lừa đảo; lập các sàn giao dịch ngoại hối lừa đảo...
"Tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh vào tâm lý thích khoe con, ham quà tặng của chị em phụ nữ và sự lơ là, thiếu cảnh giác của trẻ em gái để thực hiện hành vi phạm tội", Thượng tá Nguyễn Huy Lục nhấn mạnh.
Ba giải pháp cấp bách phòng ngừa tội phạm công nghệ cao
Vì vậy, việc tăng cường an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư đối với phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh chuyển đổi số của Việt Nam được coi là vấn đề cấp thiết.
Bà Gaelle Demolis Ebassa chia sẻ về tiềm năng sử dụng AI để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong môi trường mạng.
Trao đổi về vấn đề này, bà Gaelle Demolis Ebassa, chuyên gia về Quản trị, Hòa bình và An ninh, Văn phòng Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ ra tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về Phụ nữ, Hòa Bình và An ninh mạng (WPS) với 4 trụ cột như phòng ngừa, bảo vệ, tham gia, cứu trợ và phục hồi.
Chẳng hạn, công nghệ AI được xây dựng giúp hình thành hệ thống cảnh báo sớm, phản ứng sớm, tạo nội dung về phụ nữ, hòa bình và an ninh...
Tiếp lời bà Gaelle Demolis Ebassa, Thượng tá Nguyễn Huy Lục nhấn mạnh về ba giải pháp cấp bách để phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện nay ở Việt Nam.
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái đối với các thủ đoạn của tội phạm. Đồng thời kịp thời thông báo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác...
Thứ hai, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, gửi tin nhắn đến các thuê bao di động; phối hợp với các ngân hàng để phát triển, khuyến cáo những khách hàng chuyển tiền có tâm lý lo sợ.
Thứ ba, tổ chức các buổi tọa đàm chuyên đề về tội phạm lừa đảo ở trong các trường ĐH, PTTH nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ.
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, đại biểu tham dự đã chia sẻ về việc thực thi luật An ninh mạng và khuyến nghị về bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh chuyển đổi kỹ thuật số, tăng cường an ninh mạng và dữ liệu cá nhân thông qua những phương pháp tiếp cận của WPS.
Thông qua tiếng nói của các chuyên gia về an ninh mạng, các nhà hoạch định chính sách và các bên hữu quan nhằm tăng cường nỗ lực hợp tác để thúc đẩy đối thoại và tìm kiếm các giải pháp khả thi trong lĩnh vực an ninh mạng, đồng thời đảm bảo sự an toàn và quyền riêng tư của phụ nữ và trẻ em gái.
Ảnh: MH