Theo xếp hạng do StartupBlink, Việt Nam có khoảng 3.800 start up đang hoạt động, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh; có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các start up tại Việt Nam (trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa); số lượng nhà đầu tư thiên thần tuy nhỏ nhưng đang tăng lên. Năm 2022, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu ghi nhận, Việt Nam xếp thứ 54, tăng 5 bậc so năm 2021.
Tuy nhiên, có đến hơn 90% startup thất bại khi bước vào con đường khởi nghiệp, tỷ lệ này trên thế giới rơi vào khoảng 75 - 90%. Trong 3 năm đầu có đến 92% startup thất bại, lý do chủ yếu đến từ việc chưa tìm ra được chiến lược phù hợp cho thị trường cũng như thiếu đi kiến thức trước khi khởi nghiệp, kinh doanh - dẫn chứng từ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TPHCM.
Thương trường như chiến trường, với sự xuất hiện hàng loạt các công ty, doanh nghiệp như hiện nay đã khiến cho thị trường kinh doanh ngày càng khốc liệt thì việc start up non trẻ bị đánh bại là điều không quá ngạc nhiên. Giống như chúng ta đã quá quen thuộc với câu nói: "Thất bại là mẹ của thành công".
Tưởng chừng vấn đề thất bại khi khởi nghiệp không có quá nhiều điều cần bàn cãi thế nhưng với các vị tỷ phú hay doanh nhân tại Việt Nam thì lại có rất nhiều quan điểm trái ngược.
Chẳng hạn, từng chia sẻ bên lề Lễ công bố chương trình truyền hình "Quốc gia khởi nghiệp", tỷ phú Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco) cho rằng khởi nghiệp đừng để thất bại cho dù bấy lâu nay, người ta đã quá quen thuộc với ý nghĩ, "thất bại trong khởi nghiệp, có sao đâu, làm lại thôi".
"Những thiệt hại về tài chính của một cá nhân, doanh nghiệp nào đó, suy cho cùng cũng là thiệt hại chung của nền kinh tế. Tôi rất quan tâm vấn đề làm sao từ các ý tưởng có thể triển khai được nó như các dự án kinh doanh", ông Trần Bá Dương nói.
"Chúng ta cố gắng hạn chế tối đa thất bại. Đối với tôi, những câu nói hay về thất bại chỉ mang tính khích lệ thôi, còn về mặt kinh tế, không nên thất bại...", ông nói thêm.
Tại mùa 3 chương trình Shark Tank Việt Nam, khi cùng bình luận về chủ đề thất bại của startup, Shark Hưng và Shark Việt đã đưa ra ý kiến hoàn toàn khác nhau. Nếu như Shark Hưng đúc kết trong câu nói: "Đã bắt đầu làm thì đừng nghĩ đến thất bại", thì Shark Việt khuyên ngược lại: "Đã bắt đầu làm thì phải nghĩ đến thất bại".
Cộng đồng mạng từ đây cũng chia làm nhiều phe: Có người bảo Shark Hưng khuyên thực tế và sâu sắc; có người cho rằng Shark Việt nói đúng, đặc biệt quan điểm Shark Việt cũng giống với một cựu cá mập trước đây là Shark Phú, khi ông luôn hỏi startup câu quen thuộc "Nếu thất bại thì em làm gì để hoàn vốn cho anh". Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng không ai đúng và không ai sai, tùy vào góc độ nhìn nhận của từng người.
Sau khi làm "dậy sóng" mạng xã hội, Shark Phạm Thanh Hưng đã lên tiếng giải thích: "Tôi có một câu nói gây nhiều tranh cãi nên hôm nay đóng lại mùa 3 tôi sẽ nhắc lại. Trước khi làm hãy nghĩ đến thất bại, cân nhắc cho kỹ nhưng khi đã làm rồi đừng nghĩ đến chuyện thất bại nữa, chiến thôi. Chúc các bạn thành công".
Cũng bàn về thành công và thất bại, sếp Hoàng Nam Tiến chỉ ra một điểm mấu chốt: "Thất bại ở chỗ nào thì đứng lên ở chỗ đó. Nếu sợ thất bại thì bạn đã sợ thất bại rồi. Trong thể thao, người ta chỉ nói về người chiến thắng. Ngay ngày mai, người về nhì sẽ không ai nhớ đến. Nhưng đó là trong thể thao, còn trong cuộc sống thì chúng ta ta về nhì, về ba, về tư, về năm vẫn rất ổn…".
Ông Tiến chia sẻ bản thân đã thất bại nhiều lần, trong đó có việc cá nhân gia đình và cả kinh doanh. Những ngày mới vào FPT, ông đã làm khoảng 10 việc thì chỉ có 5 việc thành công, còn 5 việc là thất bại.
Theo ông Tiến, thành công không có mẫu số chung, học được ở người thành công rất khó. "Người thành công kể chuyện hay, mình nghe xong cảm thấy hào hứng nhưng lại không học được gì. Nhưng học cách tránh thất bại thì học được", ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.