ROG Ally X về cơ bản là phiên bản nâng cấp giữa vòng đời của ROG Ally (2023) trước khi Asus ra mắt thế hệ hoàn toàn mới. Chúng tôi đã có bài mở hộp ROG Ally X, bây giờ, ta hãy so sánh giữa phiên bản này với phiên bản gốc, để xem cả hai có gì khác biệt và đâu là sự lựa chọn đáng cân nhắc hơn.
Thiết kế
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, ROG Ally X đã tạo ra sự khác biệt với màu đen thay vì màu trắng của phiên bản trước. Đối với một thiết bị chơi game cầm tay thì điều này giúp cải thiện tính thẩm mỹ theo thời gian lên rất nhiều vì màu đen nhìn chung sẽ không dễ bị bám bẩn và ố vàng như màu trắng.
Tuy nhiên, với màu trắng của Ally thì nếu chịu khó dùng giấy ướt lau sẽ ổn hơn. Như ảnh là tôi đang dùng khăn giấy chuyên dụng lau bếp mà bạn có thể dễ dàng mua tại siêu thị, chỉ cần lau vài lần sẽ sạch hơn ngay.
Không chỉ là màu sắc, mà Ally X còn có một số thay đổi nhỏ nhưng ý nghĩa trong thiết kế.
Trong Asus ROG Ally X, phần báng cầm tay được thiết kế cao hơn một chút, hình dạng tổng thể tròn hơn, điều này giúp người dùng cầm máy chắc tay và dễ chịu hơn. Asus cũng tinh ý thay các vân đa giác ở tay cầm Ally bằng những logo ROG nhỏ li ti để tăng độ bám và nhận diện thương hiệu, tương tự như cách Sony làm với tay cầm PS5.
Ở mặt trước, 2 cần analog và cụm phím được Asus thay đổi vị trí một chút để game thủ tiện thao tác. Các nút bấm cũng cần nhiều lực hơn để nhấn nhưng như vậy mang đến cảm giác bấm khá đã tay.
Cụm phím D-Pad cũng có thay đổi nhỏ thành hình dấu + với 8 hướng bấm rõ ràng, tạo cảm giác bấm êm tay hơn.
Vị trí cần analog và cụm phím cũng thay đổi một chút
Hai nút macro ở mặt sau đã được thiết kế nhỏ hơn, theo Asus thì điều này sẽ giúp tránh việc nhấn nhầm nhưng những bạn nào có bàn tay nhỏ có thể sẽ tốn một ít thời gian để làm quen.
Nút macro trên Ally X nhỏ hơn kha khá so với Ally
Khi cầm trên tay, ROG Ally X thể hiện rõ những cải tiến về nút bấm so sánh với mẫu ban đầu. ROG Ally có D-pad và các nút bấm hơi nhẹ và cần điều khiển có phần lỏng lẻo. ROG Ally X giải quyết những vấn đề này với lực nhấn lớn hơn ở các nút bấm, analog chắc chắn, 4 nút cò có độ bám tay hơn, các nút bấm có độ lõm nhẹ và cụm D-pad 8 hướng hữu ích hơn nhiều.
Nút cò trên Ally X được vuốt cong nhẹ và dài hơn, tránh tình trạng bấm trượt khi chơi
Không dừng lại ở đó, Asus trang bị thêm một khe thông hơi ở phía trên cùng của thiết bị, đồng thời giảm một nửa độ dày của các cánh quạt. Công ty cho biết điều này nhằm giúp nhiều không khí hơn có thể di chuyển qua khung máy từ đó làm cho nhiệt độ tổng thể mát hơn nhiều, chúng tôi sẽ thử nghiệm độ hữu dụng của nó ở sau bài viết.
Asus trang bị cho Ally X 1 khe tản nhiệt bổ sung
Đến với các cổng kết nối, lần này Asus đã trang bị thêm một cổng USB-C thứ hai cho máy, nhưng loại bỏ cổng độc quyền cho dock đồ họa rời ROG XG Mobile. Tuy nhiên với cổng USB-C hỗ trợ Thunderbolt 4, người dùng có khả năng tùy chọn sử dụng những eGPU khác.
Màn hình trên Ally X vẫn là tấm nền IPS 120Hz 1080p, độ sáng tối đa 500 nit như cũ, không có thay đổi gì nhưng dù sao thì nó vẫn là một màn hình sắc nét và sáng sủa trên một máy game PC cầm tay.
Hiệu năng và thời lượng pin
Trong khi Asus vẫn giữ nguyên bộ xử lý AMD Ryzen Z1 Extreme, thì công ty đã mang đến một số nâng cấp đáng chú ý ở những mặt khác để cải thiện trải nghiệm game của người dùng.
AMD Ryzen Z1 Extreme với 8 lõi, 16 luồng, 24MB bộ nhớ đệm và 12 lõi RDNA 3, cho đến nay vẫn là một chip xử lý có sức mạnh đáng nể dành cho máy game PC cầm tay.
Thử nghiệm 3DMark cho thấy cả hai có hiệu năng tương đương nhau, nhưng tùy vào game sẽ có sự khác biệt
Thay đổi cấu hình đầu tiên mà Asus mang đến là nâng dung lượng SSD đến 1TB M.2 2280 so với 512GB PCIe như trước, để giúp lưu trữ nhiều game hơn mà không cần phải xóa đi tải lại phiền phức. Máy cũng hỗ trợ lên đến 8TB dung lượng lưu trữ.
Nâng cấp tiếp theo quan trọng hơn, giúp tăng sức mạnh cho máy. ROG Ally X được trang bị lên đến 24GB RAM (LPDDR5-7500) thay vì 16GB (LPDDR5-6400) như phiên bản tiền nhiệm và vì bộ xử lý sử dụng RAM này cho cả bộ nhớ hệ thống và VRAM, nên dung lượng bổ sung mang lại một số lợi thế về hiệu suất, đồng thời cũng tăng tốc lên đến 7500MT/giây thay vì 6400MT/giây trên phiên bản gốc.
Với bộ nhớ được chia sẻ giữa GPU và CPU, ROG Ally X sử dụng 8GB cho GPU trong khi vẫn để lại đầy đủ 16GB bộ nhớ cho phần còn lại của hệ thống. ROG Ally ban đầu cần phải đánh đổi hiệu năng khi phân bổ bộ nhớ
Theo thử nghiệm của chúng tôi, dung lượng bổ sung này thật sự tạo ra cải tiến hiệu năng đáng kể ở những game nặng đòi hỏi nhiều bộ nhớ, nhưng với các game nhẹ nhàng hơn thì cả hai phiên bản vẫn hoạt động như nhau.
Horizon Zero Dawn sử dụng 4GB VRAM trên Ally và 6GB trên Ally X, khác biệt fps là dễ nhận thấy
Với tựa game "sát phần cứng" hiện nay là Black Myth: Wukong, Ally X cho thấy khác biệt rõ ràng với Ally. Phiên bản Ally khi chạy công cụ benchmark của game sẽ báo thiếu VRAM, hiệu suất cũng kém ổn định hơn.
Ally báo thiếu VRAM khi chạy benchmark Black Myth: Wukong với 4GB VRAM
Trong khi Ally X thì không, và fps cũng cao hơn thấy rõ
Cả hai máy đều cài đặt đồ họa Medium, Super Resolution 33. Ally X cho tốc độ khung hình trung bình đặt 79 fps (Max 92, Min 58), trong khi phiên bản Ally đạt 69 fps (Max 80, Min 47), tốc độ khung hình tối thiểu 47 fps của Ally có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm game.
Như đã nói ở trên, Asus đã thực hiện một số cải tiến về tản nhiệt. Thiết bị không còn phát ra tiếng ồn như trước đây, ngay cả khi chơi một tựa game nặng, máy vẫn nóng lên khi chơi các game như Cyberpunk 2077, nhưng nhiệt độ nhìn chung là mát hơn so với Ally, đặc biệt là không còn nóng ở khu vực microSD (đã được thay đổi vị trí) như bản trước nữa.
Thử nghiệm của Windows Central cho thấy Ally X (trên) quản lý nhiệt tốt hơn Ally
Có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa mẫu cũ và phiên bản nâng cấp nằm ở thời lượng pin. Asus đã tăng gấp đôi dung lượng pin, lên đến 80 watt-giờ, trong khi hầu như không thay đổi trọng lượng thiết bị, chỉ tăng từ 608g lên 678g hầu như không đáng để.
Cả ROG Ally và ROG Ally X đều có thể hoạt động ở mức công suất từ 9 watt đến 30W, nhưng Asus có chế độ nguồn hơi khác nhau cho từng thiết bị.
Silent: 9W cho ROG Ally, 13W cho ROG Ally X
Performance: 15W cho ROG Ally, 17W cho ROG Ally X
Turbo: 25W cho ROG Ally và ROG Ally X
Turbo/Plugged In: 30W cho ROG Ally và ROG Ally X
Asus đưa ra thời gian chơi vào khoảng 3 giờ đối với các game vừa phải và 8 giờ đối với những game nhẹ. Thử nghiệm thực tế, ROG Ally có thể cạn pin chỉ sau một giờ khi hoạt động công suất tối đa với một game đòi hỏi cao như Cyberpunk 2077. Trong khi ROG Ally X sẽ hoạt động lâu hơn trong khoảng từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng.
Về phần mềm thì cả hai tương tự nhau. Cả ROG Ally và ROG Ally X đều chạy Windows 11 với tiện ích Armoury Crate SE của Asus.
Tổng kết
Ở hầu hết mọi khía cạnh, ROG Ally X đều mang đến những cải tiến nhỏ nhưng hữu dụng so với Ally. Người dùng sẽ có một chiếc máy màu đen đỡ bám bẩn hơn, nút bấm tốt hơn, hiệu suất nhỉnh hơn một chút nhờ dung lượng RAM tăng cường, cùng với các cải thiện về tản nhiệt và nâng cao thời lượng pin.
Cả hai đều là máy game PC cầm tay rất tốt hiện nay
Nhìn chung, đây là bản nâng cấp giữa vòng đời trước khi Ally 2 ra mắt và tùy theo nhu cầu mà bạn có thể chọn lựa giữa hai thiết bị. ROG Ally vẫn là một sản phẩm rất tốt dựa trên giá thành đã khá "mềm" hiện nay, nếu dư dã hơn thì Ally X là lựa chọn tốt nhất mà Asus cung cấp vào lúc này.