Đại sứ Trung Quốc phản ứng thông tin Bắc Kinh ngừng cấp vốn cho Campuchia
Tờ Khmer Times mới đây đưa tin, Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Uông Văn Bân đã nhấn mạnh sức mạnh bền bỉ và thành công của quan hệ hợp tác Trung Quốc - Campuchia, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ không ngừng của Bắc Kinh đối với việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng của Campuchia.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Campuchia trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ nền kinh tế quốc gia và sinh kế của người dân. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm mất uy tín hoặc bôi nhọ sự hợp tác Trung Quốc - Campuchia đều sẽ vô ích", ông Uông nói.
Theo Khmer Times, phát biểu của Đại sứ Uông được đưa ra sau khi hãng tin Reuters (Anh) trích dẫn số liệu quý 3 từ Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia đưa tin vào ngày 11/12 rằng Trung Quốc không phê duyệt bất kỳ khoản vay nào cho vương quốc này trong năm 2024.
Báo cáo của Reuters đã đưa ra nhận định rằng quyết định của nhà đầu tư Trung Quốc có thể liên quan đến "sự thận trọng đối với các dự án cơ sở hạ tầng kém hiệu quả" ở Campuchia. Bài báo lấy Kênh đào Funan Techo làm ví dụ và nói rằng siêu dự án này đã mất đi sự ủng hộ của Trung Quốc.
Vào ngày 14/12, Người phát ngôn Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia Meas Soksensan đã bác bỏ thông tin của Reuters và mô tả báo cáo của hãng tin Anh là "nực cười". Ông cho biết Campuchia và Trung Quốc hiện đang tham gia vào các dự án chung, với nhiều dự án khác đang được triển khai.
Chheng Kimlong - Chủ tịch tổ chức tư vấn Viện Tầm nhìn Châu Á (AVI) có trụ sở ở Phnom Penh - cho rằng những thông tin được Reuters phản ánh chưa hẳn là chuẩn xác hoặc đại diện cho các mô hình phân phối bình thường của các khoản vay quốc tế cho bất kỳ một quốc gia hay các quốc gia cụ thể nào, vì chúng không nhất thiết phải diễn ra theo cùng một cách từ năm này sang năm khác.
"Mặc dù vậy, các khoản cho vay hoặc đi vay phụ thuộc vào các loại dự án đầu tư công mà một quốc gia ưu tiên so với kế hoạch phát triển của quốc gia đó và triển vọng về lợi ích kinh tế bền vững trong suốt vòng đời, hoặc ít nhất là trong nửa đầu [vòng đời] của dự án phát triển được tài trợ bằng khoản vay", ông Kimlong nói.
Chuyên gia này giải thích rằng trong khi tổng số khoản vay của Trung Quốc cho các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã giảm ở tất cả các quốc gia tham gia sáng kiến, thì các dự án phát triển cụ thể được tài trợ bởi các doanh nghiệp nhà nước hoặc thông qua các hình thức hỗ trợ phát triển quốc tế khác có xu hướng tập trung nhiều hơn vào chất lượng, quản trị tốt, lợi ích xã hội và an ninh môi trường.
"Chính sách quản lý khoản vay chung của Campuchia liên quan đến việc đánh giá thận trọng khả năng trả nợ của nước này trong khi phải đảm bảo nguồn tài chính đầy đủ, chẳng hạn như thông qua tín dụng tư nhân trong nước và quốc tế, để tài trợ cho các dự án phát triển thúc đẩy khả năng phục hồi, sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Campuchia", Kimlong nói thêm.
Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu tại Campuchia
Theo Khmer Times, Trung Quốc vẫn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Campuchia, với thương mại song phương đạt mức cao kỷ lục trong những năm gần đây. Vào năm 2023, hai nước đã thiết lập khuôn khổ hợp tác song phương “Lục giác kim cương”, bao gồm chính trị, năng lực sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh và giao lưu nhân dân.
Trong số những thành tựu đáng chú ý nhất gần đây là Đường cao tốc Phnom Penh - Sihanoukville, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa thủ đô và tỉnh ven biển của Campuchia, cũng như một số dự án thủy điện góp phần củng cố an ninh năng lượng của nước này.
Với việc cung cấp vắc-xin và thiết bị y tế, Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng khi hỗ trợ Campuchia phòng chống đại dịch Covid-19.
Theo số liệu thống kê do Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Campuchia cung cấp, tính đến tháng 10/2024, Campuchia đã có 2.326 nhà máy công nghiệp, trong đó có 1.273 nhà máy nhận được khoản đầu tư từ Trung Quốc, giá trị lên tới 9,086 tỷ USD, chiếm 45,49% tổng vốn đầu tư của Campuchia.
Khmer Times đưa tin, Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh thường xuyên nhấn mạnh những lợi ích hữu hình của các dự án này, nhấn mạnh tác động của chúng đối với việc cải thiện sinh kế của người dân địa phương.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng từng ca ngợi tầm quan trọng của sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc đạt được các mục tiêu phát triển của vương quốc này, đặc biệt là trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050.
Hữu Hiển