Tại tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, Tiêu Tác là một ví dụ điển hình cho lợi ích mà Dự án chuyển hướng nước Nam - Bắc mang lại cho cộng đồng địa phương. Là thành phố duy nhất có tuyến dẫn nước chạy thẳng qua trung tâm, Tiêu Tác ghi nhận nhiều cải thiện đáng kể về cả nguồn cung cấp nước và môi trường sinh thái.
Kể từ khi dự án bắt đầu vào năm 2014, thành phố đã nhận được hơn 430 triệu mét khối nước từ Hồ chứa Đan Giang Khẩu ở Hồ Bắc. Nhờ đó, thành phố chuyển đổi từ nền kinh tế dựa trên than sang mô hình bền vững hơn, thân thiện với môi trường.
Dọc kênh đào 10 km, một hành lang xanh giúp tạo thêm không gian giải trí và cải thiện hệ sinh thái địa phương. Ngoài ra, hơn 60 triệu mét khối nước đã được sử dụng, mang lại lợi ích cho cả hệ thống nước của thành phố và các hệ sinh thái xung quanh.
Kỷ niệm 10 năm xây dựng, Dự án chuyển nước Nam – Bắc lớn nhất thế giới đã vận chuyển tổng cộng 6,7 tỷ mét khối nước, mang lại lợi ích cho hơn 185 triệu người dân tại 45 thành phố vừa và lớn.
Dự án bao gồm ba tuyến: trung tâm, phía đông và phía tây. Kênh trung tâm là tuyến quan trọng nhất, kéo dài 1.432 km. Tuyến bắt đầu từ Hồ chứa nước Đan Giang Khẩu ở tỉnh Hồ Bắc, đi qua Hà Nam và Hà Bắc sau đó đi ngược lên Bắc Kinh và Thiên Tân. Đoạn Hà Nam dài nhất với 731 km.
Kênh phía đông của dự án trải dài 1.467 km, chuyển nước từ sông Dương Tử ở phía đông tỉnh Giang Tô đến các khu vực bao gồm Sơn Đông, Hà Bắc và Thiên Tân.
Chủ tịch Wang Annan của Tổng công ty chuyển nước Nam - Bắc Trung Quốc cho biết công việc trên các kênh trung tâm và phía đông tiến triển thuận lợi. Nỗ lực ban đầu để xây dựng kênh phía tây cũng đang được thực hiện.
Đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng nước đã đạt 1,09 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 151,66 tỷ USD) trong 10 tháng đầu năm nay, hỗ trợ cho những tiến bộ liên tục của dự án. Theo Finance Sina, tổng mức đầu tư ước tính ban đầu là 124 tỷ nhân dân tệ, nhưng chi phí đã tăng lên hơn 208,2 tỷ nhân dân tệ (hơn 725 nghìn tỷ VNĐ) vì sự chậm trễ.
Tại Bắc Kinh, Dự án chuyển nước Nam - Bắc đã có tác động sâu sắc đến nguồn cung cấp nước của thành phố và hệ sinh thái địa phương. Trước khi nước được chuyển hướng, Bắc Kinh đã phải vật lộn với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Vì hồ chứa Mật Vân không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân thành phố. Bên cạnh đó, con sông Chaobai khô cạn hơn 20 năm cũng đã bắt đầu hồi sinh trở lại.
Cải tiến công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công của dự án. Tại một trạm bơm ở tỉnh Giang Tô triển khai các hệ thống kỹ thuật số đã cải thiện đáng kể hiệu quả quản lý nước. Các hệ thống này cho phép giám sát và kiểm soát dòng nước theo thời gian thực, giảm nhu cầu về nhân viên và giảm mức tiêu thụ năng lượng.
Theo CGTN
Thiên Di