Trang tin quân sự quốc phòng Army Recognition nổi tiếng của Bỉ đã có bài viết ca ngợi hệ thống tên lửa phòng không S-125-VT của Viettel, khi được trưng bày tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 vừa qua.
S-125-VT được phát triển dựa trên hệ thống S-125-M1 Pechora, phiên bản nâng cấp này tích hợp các cải tiến kỹ thuật trong khi vẫn giữ nguyên tên lửa ban đầu, được cho là giải pháp phù hợp với nhu cầu phòng không hiện đại. Với tầm bắn mở rộng hơn 20 km và tỷ lệ chính xác lên tới 90% đối với các mục tiêu chiến thuật như máy bay, S-125-VT được xem là bước phát triển quan trọng thể hiện năng lực quân sự của Việt Nam.
Hệ thống S-125-VT
Một trong những tính năng đáng chú ý nhất của S-125-VT là khả năng tấn công đồng thời hai tên lửa vào các mục tiêu riêng biệt, bằng hệ thống dẫn đường nâng cấp, khả năng này có thể được thực hiện ngay cả trong môi trường chiến tranh điện tử phức tạp.
Thành phần cốt lõi của hệ thống là radar UNV-VT, đã được hiện đại hóa đáng kể để đảm bảo giám sát hiệu quả với phạm vi tối đa 90 km. Nó có thể hoạt động hiệu quả trước các biện pháp đối phó điện tử tiên tiến, đảm bảo phát hiện và theo dõi mục tiêu trong những điều kiện đầy thách thức.
Ngoài radar, một đơn vị quan sát quang điện tử đã được tích hợp để tăng cường tính linh hoạt của hệ thống. Công nghệ này cho phép phát hiện và khóa mục tiêu bay thấp, ngay cả khi radar bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Sự kết hợp giữa radar và dẫn đường quang điện tử sẽ giải quyết những thách thức do các kỹ thuật triệt tiêu điện tử hiện đại đặt ra.
Xe điều khiển UNK-VT đóng vai trò trung tâm trong hệ thống bằng cách điều phối tất cả các hoạt động nhắm mục tiêu và dẫn đường. Với những cải tiến trong thuật toán xử lý, nó cung cấp dữ liệu thời gian thực chính xác để đạt hiệu quả tối ưu.
Tất cả các thành phần của S-125-VT đều được lắp trên khung gầm vận chuyển di động, đảm bảo tính linh hoạt cao và giảm đáng kể thời gian triển khai. Không giống như phiên bản tiêu chuẩn, cần hơn 90 phút để hoạt động, S-125-VT có thể được triển khai hoặc rút lui chỉ trong 20 phút, cho phép phản ứng nhanh với các mối đe dọa tức thời.
Hệ thống được cung cấp năng lượng bởi xe PDU UNV-VT chuyên dụng, được trang bị hai máy phát điện diesel công suất 40 kW mỗi máy. Bộ nguồn này giúp hệ thống hoạt động hơn 24 giờ liên tục mà không cần tiếp nhiên liệu, với mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình là 16 lít mỗi giờ. Ngoài việc cung cấp năng lượng cho toàn bộ hệ thống, xe còn bao gồm các hệ thống kiểm soát khí hậu phù hợp với điều kiện môi trường tại Việt Nam, đảm bảo thiết bị hoạt động đáng tin cậy và người vận hành luôn thoải mái.
Việc hiện đại hóa cũng bao gồm các cơ chế thủy lực để hệ thống triển khai và thu hồi tự động các ăng-ten radar, giảm khối lượng công việc của người vận hành và giảm thiểu các lỗi tiềm ẩn. Toàn bộ hệ thống được lắp đặt trên các nền tảng vận chuyển bền bỉ phù hợp với địa hình phức tạp, tăng cường khả năng cơ động và khả năng sống sót trên chiến trường.
Nỗ lực của Việt Nam
Việc hiện đại hóa S-125-VT của Viettel cho thấy trình độ chuyên môn ngày càng tăng của công ty trong công nghệ quốc phòng. Điều này bao gồm việc phát triển phần mềm xử lý tín hiệu tiên tiến, khả năng giám sát nâng cao và kiến trúc hệ thống được thiết kế để chống lại các mối đe dọa mạng. Những tiến bộ này củng cố vị thế của Viettel, khẳng định vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam.
S-125-VT thể hiện nỗ lực cải tiến và nâng cấp hệ thống phòng không của Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu tác chiến hiện đại. Với độ chính xác, khả năng hoạt động trong môi trường phức tạp và khả năng cơ động được cải thiện, hệ thống này được đánh giá là giải phải hiệu quả để đối phó với các mối đe dọa trên không hiện nay. Đây là sự cải tiến chiến lược cho Quân đội Nhân dân Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức ngày càng tăng trong các cuộc xung đột trên không.
Quang Hưng