Hầu hết mọi người trước khi đi ngủ đều sẽ thường tắt đèn, nhưng vẫn có không ít người có thói quen bật đèn khi ngủ. Nguyên nhân thường là do họ có tâm lý sợ hãi bóng tối, không bật đèn thì sẽ không ngủ được. Tuy nhiên, ánh đèn sáng dù chỉ là tác nhân bên ngoài nhưng vẫn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe trong khi chúng ta đang say giấc.
Tại sao có người thích bật đèn khi đi ngủ?
Theo nghiên cứu của Trung tâm sức khỏe tâm thần Tây An thuộc Đại học Trung Y Dược tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), thói quen thích bật đèn khi đi ngủ thuộc về vấn đề tâm lý. Việc thực hiện điều này trong một thời gian dài dẫn đến sự lệ thuộc về cả thể chất và tinh thần vào ánh sáng.
Bản chất bệnh lý của chứng thích bật đèn khi ngủ bắt nguồn từ nỗi sợ bóng tối có từ thời thơ ấu. Nhiều người hay nghĩ đến những câu chuyện kinh dị mà mình nghe khi còn nhỏ, hoặc tưởng tượng ra những điều đáng sợ xuất hiện vào ban đêm hay trong bóng tối. Và cách duy nhất để xua tan nỗi sợ đó là bật đèn đi ngủ. Ngoài ra, những người thường ở trong trạng thái căng thẳng, dễ gặp ác mộng khi đi ngủ cũng thường có cảm giác an toàn hơn khi ngủ trong điều kiện có ánh sáng.
Mặc dù sở thích bật đèn khi ngủ phản ánh sự rối loạn tâm lý và giấc ngủ, nhưng điều này vẫn có thể cải thiện được. Các bác sĩ khuyến cáo cần sớm thay đổi thói quen để đảm bảo có một giấc ngủ ngon và sức khỏe tốt sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Tác hại của việc để đèn sáng khi đi ngủ
Vào tháng 3/2022, các nhà nghiên cứu từ Đại học Northwestern (Mỹ) đã công bố một bài nghiên cứu trên tạp chí PANS, cho thấy việc bật đèn khi ngủ rất có hại cho sức khỏe con người.
Các nhà nghiên cứu đã chọn 20 người khỏe mạnh và chia họ thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên đi ngủ vào buổi tố trong môi trường ánh sáng yếu và nhóm thứ hai trong môi trường ánh sáng trung bình.
Sau một thời gian, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi một người tiếp xúc với ánh sáng mạnh hơn khi ngủ, cơ thể sẽ bước vào trạng thái tỉnh táo cao hơn và nhịp tim của người đó sẽ tăng lên. Sự gia tăng huyết áp vào ban đêm cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch của người đó.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng bất ngờ nhận thấy nhóm đối tượng thử nghiệm thứ hai có tình trạng kháng insulin tăng cao vào sáng hôm sau. “Kháng insulin” là tình trạng tế bào không phản ứng với insulin dẫn đến glucose bị giữ lại trong máu, dẫn đến một số bệnh như: Đái tháo đường type 2, tiền đái tháo đường ( rối loạn dung nạp glucose), béo phì, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp.
Đặc biệt, với những người trong độ tuổi từ 63 - 84, nghiên cứu cho thấy việc ngủ trong ánh sáng lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường hơn rất nhiều. Vì vậy, muốn duy trì một sức khỏe tốt và kéo dài tuổi thọ, bật đèn khi đi ngủ là một trong những thói quen mà chúng ta cần phải từ bỏ càng sớm càng tốt.
Thay đổi thói quen, cải thiện giấc ngủ
Tiến sĩ Phyllis Zee, đồng tác giả cấp cao, trưởng khoa y học giấc ngủ tại Feinberg và là bác sĩ của Northwestern Medicine, cho biết: "Điều quan trọng là mọi người phải tránh hoặc giảm thiểu lượng ánh sáng tiếp xúc trong khi ngủ".
Ông đưa ra một số mẹo để giảm ánh sáng trong khi ngủ:
- Hạn chế việc bật đèn khi ngủ. Nếu cần thiết phải bât đèn (người lớn tuổi có thể cần bật vì lý do an toàn), hãy bật đèn mờ và ánh sáng chiếu thấp gần sàn nhà hơn.
- Màu sắc cũng là yếu tố rất quan trọng. Đèn màu hổ phách hoặc đỏ/cam ít kích thích não hơn. Không sử dụng ánh sáng trắng hoặc xanh lam và đèn cách xa cơ thể khi đang ngủ.
- Những người mắc chứng sợ hãi bóng tối có thể bắt đầu bằng việc giảm dần cường độ ánh sáng, thay việc bật đèn phòng ngủ bằng đèn hành lang, đèn trong phòng tắm…
- Nếu vào ban ngày hoặc trong tình trạng không thể kiểm soát được ánh sáng, rèm che hoặc mặt nạ che mắt là một lựa chọn tốt. Ngoài ra, bạn có thể thay đổi vị trí giường để ánh sáng bên ngoài không chiếu thẳng vào mặt bạn.
(Theo Northwestern.edu)
Nguyên An