Nhiều người sau 50 tuổi rất chăm chỉ đi bộ vì cho rằng đây là bài tập thể dục phù hợp với mọi người, dễ thích ứng với cơ thể. Họ đi bộ hằng sáng, hằng tối để rèn luyện cơ thể, thoải mái tinh thần. Tuy nhiên, đa số mọi người cho rằng đi bộ là bài tập đơn giản, chỉ cần vận động là được. Ít ai biết rằng, những sai lầm khi đi bộ có thể tác động ngược trở lại, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.
Theo các chuyên gia sức khỏe, đi bộ và tuổi thọ có mối liên quan nhất định. Khi có những dấu hiệu này lúc đi bộ thì có thể sức khỏe đang gặp vấn đề, ảnh hưởng không nhỏ tới tuổi thọ:
1. Dáng đi không vững
Với người lớn tuổi, nếu dáng dấp khi đi bộ thiếu vững vàng, vung tay không đối xứng hoặc gặp những bất thường như khó bắt đầu đầu, bước chân nhỏ và tốc độ ngày càng nhanh hơn… có thể là dấu hiệu của bệnh Parkinson.
Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa của hệ thần kinh, nhiều người già mắc phải. Ngoài dáng đi bất thường, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng như run khi nghỉ, vận động chậm và tăng trương lực cơ.
Những dấu hiệu này xuất hiện khi đi bộ cảnh báo sức khỏe người già gặp vấn đề nghiêm trọng, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới tuổi thọ.
2. Dáng đi cắt kéo
Nếu người sau 50 tuổi có dấu hiệu đi bộ "cắt kéo", tức là lắc lư từ bên này sang bên kia, sải chân ngắn và hình cắt kéo thì rất có thể họ sắp gặp vấn đề về não. Các dấu hiệu trên liên quan đến các bệnh tổn thương tiểu não, tổn thương tủy sống… Các bệnh về mạch máu như nhồi máu não, đột quỵ… cũng có thể gây ra dáng đi cắt kéo. Người già gặp triệu chứng này khi đi bộ đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt và chẩn đoán và điều trị y tế kịp thời.
3. Bước chân nặng
Người sau 50 tuổi đi bộ mà cảm thấy nặng nề và đau nhức chân thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh xơ cứng động mạch ở chi dưới. Triệu chứng này càng rõ ràng hơn sau khi đi bộ trong thời gian dài. Người mắc bệnh có thể có triệu chứng đau cách hồi, lạnh và tê ở chi.
Nguyên nhân là do thành mạch máu bị tổn thương và hình thành các mảng xơ vữa động mạch, dẫn đến lòng mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Nếu không được thăm khám và điều trị, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như teo cơ hoặc loét chân tay.
4. Tức ngực
Khi đi bộ nhanh hoặc các hoạt động thể chất mà có dấu hiệu tức ngực, khó thở thì có thể tim đang bị thiếu máu cung cấp. Trong tình huống này, người sau 50 tuổi cần cảnh giác với khả năng mắc các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành và đau thắt ngực.
Tốt nhất, bạn nên kịp thời kiểm tra sức khỏe, đo điện tâm đồ và các xét nghiệm liên quan khác để chẩn đoán đúng bệnh và điều trị sớm.
5. Đau hàm hoặc đau răng
Nếu khi đi bộ bạn đột nhiên bị đau quai hàm hoặc đau răng khi đi lại, kèm theo đau lan xuống cổ, đổ mồ hôi lạnh, chóng mặt… thì nên cảnh giác với khả năng bị thiếu máu cơ tim, thậm chí là nhồi máu cơ tim. Đây là những dấu hiệu cảnh báo của nhồi máu cơ tim đang tới gần và bạn cần được khám bệnh kịp thời.
Đi bộ và mối liên hệ với tuổi thọ
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, đi bộ ở cường độ phù hợp có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân được giảm thiểu khi bạn đi bộ đạt lần lượt 8763 bước và 7126 bước trong 1 ngày.
Điều đặc biệt là, tốc độ đi bộ ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của quá trình tập luyện. Theo đó, việc đi bộ với nhịp độ trung bình và cao có thể làm giảm hơn nữa nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân hiệu quả hơn và mức giảm này không bị ảnh hưởng bởi số bước chân.
Zhang Boli, một học giả đến từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, chia sẻ kinh nghiệm đi bộ của riêng mình. Ông đi bộ 7.000 đến 8.000 bước mỗi ngày trong suốt 20 năm. Ông khuyến nghị người sau 50 tuổi nên đi bộ 6.000 đến 7.000 bước mỗi ngày. Tốt nhất, nếu thời gian cho phép, họ có thể bộ nhiều hơn nhưng nên duy trì tốc độ nhanh và để nhịp tim tăng nhẹ cho đến khi cơ thể đổ mồ hôi.
Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe đều khuyến cáo hãy chú ý tới sự phù hợp với tình trạng cơ thể và sức khỏe của bạn. Với người cao tuổi, đi bộ quá nhiều có thể gây ra sự hao mòn không đáng có ở khớp, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lưu Ly (Tổng hợp)