Trong mùa lạnh, máy sưởi trở thành "vị cứu tinh" để giữ ấm. Tuy nhiên, không ít người than phiền rằng dù đã bật máy sưởi nhưng căn phòng vẫn lạnh, thậm chí cảm giác còn khó chịu hơn. Lý do có thể không chỉ ở thiết bị mà còn từ những thói quen sai lầm khi sử dụng. Dưới đây là 4 sai lầm phổ biến gây hại cho sức khỏe, làm giảm hiệu quả của máy sưởi và tăng nguy cơ hỏng hóc mà bạn nên bỏ ngay:
1. Đặt máy sưởi sai vị trí
Máy sưởi thường bị đặt ở góc phòng hoặc sát tường để tiết kiệm diện tích. Tuy nhiên, điều này khiến luồng khí nóng không được phân bổ đều, tạo cảm giác lạnh ở phần lớn không gian. Nhiệt tập trung ở một chỗ có thể gây khô da hoặc bỏng nhiệt cục bộ nếu tiếp xúc quá gần. Đồng thời, cơ thể không được làm ấm đều dễ dẫn đến cảm lạnh.
Nên đặt máy sưởi ở vị trí trung tâm phòng, cách xa vật chắn như tường hay rèm cửa ít nhất 1m. Kết hợp với quạt hoặc máy tuần hoàn không khí để luân chuyển hơi ấm đều khắp phòng.
3. Quên kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ và thời gian
Máy sưởi làm không khí trong phòng trở nên khô, gây khó chịu cho đường hô hấp và làm da mất nước nhanh hơn. Điều này đặc biệt nghiêm trọng trong mùa đông khi độ ẩm vốn đã thấp, gây viêm họng, khô mắt, nứt da, hoặc làm trầm trọng hơn các bệnh mạn tính như viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Ngoài cài đặt độ ẩm cho đúng, có thể Dùng máy tạo độ ẩm hoặc đặt một chậu nước nhỏ trong phòng để cân bằng độ ẩm. Độ ẩm lý tưởng nên duy trì ở mức 40 - 60%.
Hay một số người bật máy sưởi ở nhiệt độ quá cao hoặc để hoạt động liên tục suốt đêm. Nhiệt độ quá cao khiến cơ thể mất nước nhanh, gây khô họng và mệt mỏi. Để máy hoạt động xuyên đêm làm tăng nguy cơ cháy do quá nhiệt, đặc biệt với máy sưởi điện hoặc dầu kém chất lượng. Nên cài đặt nhiệt độ từ 20 - 24°C và sử dụng chế độ hẹn giờ tắt. Đối với đêm khuya, sử dụng chăn ấm hoặc lò sưởi mini thay vì để máy chạy cả đêm.
3. Đóng kín mọi cửa khi dùng
Một sai lầm thường gặp là đóng kín toàn bộ cửa sổ và cửa ra vào khi bật máy sưởi để giữ nhiệt. Tuy nhiên, điều này dễ dẫn đến tình trạng không khí ngột ngạt, lượng oxy trong phòng giảm, gây ra các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, thậm chí ngạt khí CO2 nếu máy sưởi sử dụng nhiên liệu.
Việc không đảm bảo lưu thông không khí có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người cao tuổi. Để sử dụng máy sưởi an toàn, hãy mở hé một cửa sổ hoặc dùng thiết bị thông gió để không khí được lưu thông.
4. Lười vệ sinh máy sưởi
Không vệ sinh máy sưởi thường xuyên thật ra rất phổ biến trong xã hội bận rộn ngày nay. Trong khi máy sưởi sau một thời gian sử dụng sẽ tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn, đặc biệt là ở các khe tản nhiệt hoặc màng lọc không khí. Bụi bẩn từ máy sưởi có thể phát tán vào không khí, gây dị ứng, viêm mũi, hoặc làm trầm trọng hơn các bệnh hô hấp. Với người nhạy cảm, như trẻ em và người lớn tuổi, điều này dễ dẫn đến khó thở, ho hoặc kích ứng mắt.
Đồng thời, lười vệ sinh khiếm máy giảm hiệu suất sưởi ấm, tiêu tốn nhiều điện và nhanh hỏng hóc hơn, thậm chí tăng nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, nên vệ sinh máy sưởi định kỳ, ít nhất 1 lần/tháng trong mùa đông. Chú ý làm sạch màng lọc không khí (nếu có) và lau sạch bề mặt máy bằng khăn ẩm. Đối với các bộ phận khó vệ sinh, hãy tham khảo hướng dẫn sử dụng hoặc nhờ đến dịch vụ bảo trì chuyên nghiệp.
Nguồn và ảnh: UDN, Healthline
Ngọc Ái