Châu Âu thảo luận đưa quân sang Ukraine
Các quốc gia châu Âu đang thảo luận về việc gửi quân tới Ukraine trong trường hợp ngừng bắn hoặc đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, theo Reuters.
Các cuộc đàm phán do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc đẩy hiện đang ở giai đoạn đầu nhưng đã bộc lộ sự chia rẽ về mục tiêu và nhiệm vụ có thể có của phái bộ này.
Tuy nhiên, một số quan chức lo ngại một lực lượng như vậy sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Nga và gây sức ép lên quân đội châu Âu, vốn đã cạn kiệt kho vũ khí do tài trợ cho Ukraine và vốn quen phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ trong các sứ mệnh lớn.
Đáng chú ý, Reuters dẫn hai nguồn tin tiết lộ, trong cuộc đàm phán với Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 7/12, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố quân đội Mỹ sẽ không tham gia thực thi lệnh ngừng bắn và nhấn mạnh châu Âu sẽ phải tự mình đóng vai trò này.
Điều đó có thể có nghĩa là châu Âu sẽ triển khai quân đội tới Ukraine, cho dù Kiev có nhận được đảm bảo an ninh thông qua việc gia nhập NATO như họ mong đợi hay thông qua các đảm bảo song phương.
"Ngay cả khi có sự bảo đảm an ninh của NATO, động lực trên thực địa sẽ đến từ đâu? Đó sẽ là châu Âu, nên chỉ huy quân đội của chúng tôi đang chuẩn bị những kế hoạch cho tương lai để các nhà lãnh đạo châu Âu xem xét", một quan chức cấp cao của châu Âu cho biết.
Các quan chức cho biết các quốc gia lớn ở châu Âu như Pháp, Đức, Ý, Ba Lan và Anh có thể hình thành nên lực lượng chủ chốt này.
Phản ứng của các nước liên quan
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Macron hôm 12/12, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố Warsaw không có kế hoạch tham gia lực lượng như vậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 18/12 cho biết, Berlin có thể sẽ đóng vai trò trong việc đảm bảo lệnh ngừng bắn nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng cần phải huy động lực lượng có quy mô như thế nào.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết ông đã thúc giục các cộng sự ở NATO và Ukraine "hết sức kiềm chế" khi thảo luận về các kịch bản trong tương lai.
"Vào thời điểm này, nếu các vị đang thảo luận tất cả những điều này một cách công khai thì có lý do gì để [Tổng thống Nga Vladimir] Putin ngồi vào bàn đàm phán, khi mà ông ấy đang có được những gì mình muốn", ông Rutte nói.
Các nhà phân tích cho biết cuộc tranh luận cho đến nay đã bộc lộ sự bối rối về việc liệu một phái bộ tương lai của châu Âu có đảm nhận vai trò gìn giữ hòa bình truyền thống, như giám sát thỏa thuận ngừng bắn, hay cung cấp biện pháp răn đe mạnh mẽ chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào khác của Nga hay không.
Theo Reuter, các quan chức Ý nói về việc gìn giữ hòa bình, trong khi các quan chức Pháp và Ukraine tập trung vào việc răn đe.
Quy mô như thế nào?
Một quan chức Ukraine nắm được một số cuộc thảo luận cho biết lực lượng răn đe có thể được thành lập bởi một liên minh gồm khoảng năm đến tám quốc gia.
Các nhà phân tích và quan chức đã đưa ra những ước tính khác nhau về quy mô của lực lượng như vậy, nhấn mạnh rằng phần lớn sẽ phụ thuộc vào nhiệm vụ chính xác của nó. Một số nhà phân tích cho rằng có thể khả thi khi có khoảng 40.000 quân.
Chuyên gia quân sự Franz-Stefan Gady tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết, theo một kế hoạch luân phiên mà trong đó các đơn vị sẽ chuẩn bị triển khai và tái lập sau khi triển khai, có thể có khoảng 100.000 quân tham gia nhiệm vụ tại bất kỳ thời điểm nào.
"Điều này chắc chắn sẽ khiến lực lượng lục quân châu Âu phải căng mình chống đỡ", ông nói.
Một quan chức an ninh châu Âu giấu tên cũng cho biết có thể cần tới 100.000 quân.
Ông Gady nói lực lượng như vậy có thể được thành lập nếu một số quốc gia châu Âu cắt giảm các nhiệm vụ khác, như gìn giữ hòa bình vùng Balkan.
Châu Âu, Mỹ và các đối tác đã triển khai khoảng 60.000 quân tới Bosnia và 50.000 quân tới Kosovo vào những năm 1990, nhưng hiện nay quy mô các nhiệm vụ đó đã nhỏ hơn nhiều.
An An