ABNews: Ông Putin "giáng đòn" 4.000 quân Pháp ở châu Phi
Theo trang ABNews (Nga), các nhà phân tích chính trị phương Tây mới đây nhận định, Tổng thống Vladimir Putin đang sửa chữa một sai lầm của người tiền nhiệm quá cố Boris Yeltsin, đó là chính sách thân phương Tây.
Trước đó, ông Yeltsin là một trong những chính trị gia nổi tiếng với tư tưởng "Tây hóa", thường xuyên ủng hộ phương Tây trong nhiều vấn đề quốc tế và đã bổ nhiệm nhiều quan chức thân phương Tây vào chính phủ Nga.
Trong những năm gần đây, một thay đổi nghiêm trọng đã diễn ra trên lục địa châu Phi. Nhiều quốc gia đã yêu cầu Pháp rút quân khỏi lãnh thổ của họ, trong đó có Mali, Burkina Faso và Niger.
Theo các chuyên gia phương Tây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đi vào lịch sử với tư cách là người đã để Paris mất đi ảnh hưởng ở châu Phi. Trong khi đó, đây là hệ quả từ các hoạt động của Nga nhằm gia tăng phạm vi ảnh hưởng ở châu lục này.
(Pháp bắt đầu rút quân khỏi Chad. Nguồn: Reuters)
Hiện có khoảng 4.000 lính Pháp ở châu Phi, thấp đáng kể so với 5 năm trước khi Paris duy trì sự hiện diện tới 10.000 lính. Tuy nhiên, con số này sẽ sớm giảm xuống thấp hơn nữa, chỉ còn dưới 2.000 binh sĩ sau khi các căn cứ quân sự của Pháp tại Chad và Senegal phải đóng cửa.
Ngày 2/12, hai máy bay chiến đấu Mirage của Pháp đã rút khỏi Chad. Tới ngày 22/12, thêm một đoàn gồm 120 binh sĩ rời khỏi nước Cộng hòa này. Ở thời điểm hiện tại, Pháp còn khoảng 1.000 quân đồn trú tại Chad và việc rút toàn bộ quân dự kiến sẽ mất vài tuần.
Tất cả những điều này khẳng định rằng Paris đang nhanh chóng mất đi ảnh hưởng của mình tại "Lục địa đen", nơi chính phủ Pháp trước nay vốn có truyền thống duy trì sự hiện diện vững chắc.
"Quyết định của Chad và Senegal là một đòn giáng vào lòng tự hào dân tộc của người Pháp và uy tín quốc tế của nước Pháp" – Chuyên gia Pháp Dagau Komenan nhận định.
(Máy bay quân sự Nga chở nhân lực và thiết bị đến Niger. Nguồn: Al Jazeera)
Trước đó, trang tin Agenzia Nova (Italia) vào tháng 4 năm nay cho biết, một nhóm gồm 130 huấn luyện viên quân sự của Nga đã hạ cánh xuống thủ đô N'Djamena của Chad trên chuyến bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines.
Cũng trong thời gian này, Đài truyền hình Tele Sahel (Niger) đưa tin, Moscow đưa huấn luyện viên quân sự và trang thiết bị tới Niger để hỗ trợ nước này chống khủng bố.
Các động thái này cho thấy sự tăng cường hiện diện mãnh mẽ của Moscow ở châu Phi. Trong đó, Agenzia Nova lưu ý, Chad "là quốc gia châu Phi cuối cùng thuộc khu vực Sahel mà ảnh hưởng của Nga đang dần thâm nhập mãnh mẽ, song song với sự rút lui của Pháp và Mỹ".
Vào tháng 1 năm nay, Tổng thống chuyển tiếp của Cộng hòa Chad Mahamat Idriss Deby Itno đã có chuyến thăm tới Moscow - một động thái hiếm thấy của Chad trong 56 năm qua (kể từ năm 1968).
Theo ABNews, Moscow đã thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Phi về "tầm nhìn riêng" đối với thế giới và giành được sự ủng hộ của họ. Hầu hết các quốc gia châu Phi đều hoài nghi về các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga. Các nước nắm vai trò chủ chốt trong khu vực – như Senegal và Nam Phi – đã không bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết lên án hành động của Nga tại Liên Hợp Quốc.
Theo tờ báo, các chuyên gia phương Tây cho rằng, động thái gia tăng tầm ảnh hưởng của Nga tại châu Phi xuất phát từ mong muốn của ông Putin nhằm sửa chữa sai lầm của ông Yeltsin. Trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Yeltsin, nhiều phái bộ Nga tại châu Phi đã bị đóng cửa.
"Nga đã thừa nhận họ đang tìm cách mở lại phái bộ ngoại giao ở hầu hết các quốc gia trên lục địa châu Phi. Phía Nga lưu ý rằng quyết định đóng cửa các phái bộ này trước đây là một sai lầm.
Moscow từng đóng cửa 9 đại sứ quán, 3 lãnh sự quán và 13/20 trung tâm văn hóa Nga tại châu Phi, thay đổi chiến lược của mình đối với các quốc gia thế giới thứ ba. Giờ đây, ông Putin có ý định sửa chữa sai lầm này" – trang Money.pl (Ba Lan) dẫn lời các chuyên gia nước này nhận định, .
"Nói cách khác, bằng cách sửa chữa sai lầm của ông Yeltsin, ông Putin đang giáng đòn mạnh nhất vào uy tín của Pháp và 4.000 quân Pháp đang hiện diện tại châu Phi" – Các chuyên gia này kết luận.
EU hành động khẩn để đối phó Nga
"Châu Âu đang trên đường ra đi. Dần dần, chúng ta đang mất đi châu Phi" – ông Josep Borrell đưa ra cảnh báo vào năm 2023, khi ông giữ vai trò Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh.
Theo các nhà phân tích châu Âu, ngay từ thời điểm đó, Nga đã lấp đầy "khoảng trống an ninh" ở châu Phi nhanh nhất có thể. Trong vài tháng sau khi Pháp rút quân khỏi Mali vào năm ngoái, Moscow đã ký ngay một hiệp ước an ninh ở đó. Các thỏa thuận khác cũng được thúc đẩy.
Điều này khiến EU phải khẩn cấp tìm cách ứng phó với sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga tại đây.
Ngày 16/12, lần đầu tiên Hội đồng châu Âu đã quyết định áp dụng các biện pháp hạn chế đối với 16 cá nhân và 3 thực thể "chịu trách nhiệm về các hành động gây bất ổn của Nga" ở nước ngoài.
Trong danh sách các cá nhân và thực thể này có GRU 29155 – một đơn vị bí mật trong Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (viết tắt là GRU) - với cáo buộc tham gia vào các vụ ám sát và hoạt động gây bất ổn ở nước ngoài, như đánh bom và tấn công mạng trên khắp châu Âu. Theo EU, một số quân nhân của đơn vị này đang hoạt động ở Ukraine, Tây Âu và châu Phi.
Danh sách cũng bao gồm những người tham gia vào các hoạt động "phức hợp" của Nga ở châu Phi và Đức. Những cá nhân này sẽ bị đóng băng tài sản và quyền công dân EU. Ngoài ra, họ phải chịu lệnh cấm đi lại, không được phép nhập cảnh hay quá cảnh qua lãnh thổ các nước EU.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi EU cần "thể hiện sự thống nhất về mục đích đối với châu Phi giống như đã thể hiện với Ukraine".
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng động thái của EU là chưa đủ, giữa bối cảnh các nhà hoạch định chính sách châu Âu và các phương tiện truyền thông mô tả Nga như một thế lực đáng gờm giành được lòng trung thành của các quốc gia châu Phi.
Theo tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), châu Âu cần cố gắng thiết lập lại mối quan hệ bị tổn hại của họ với châu Phi và giành lại đòn bẩy cho các tham vọng địa chính trị và địa kinh tế.
Bên cạnh đó, ECFR đề xuất châu Âu nên tận dụng sự hoài nghi của châu Phi đối với Nga, đồng thời đưa ra cho châu lục này một đề nghị chắc chắn để thực hiện các nguyện vọng phát triển và công nghiệp hóa.
Tổ chức này cho rằng, "vấn đề Nga" thực sự ở châu Phi không phải là các hành động biệt lập của Nga, mà là sự khéo léo của Moscow trong việc tạo ra các liên minh chiến lược trong phạm vi Nam bán cầu.
"Các nền tảng như BRICS đang giúp tạo ra các liên minh mới trước một trật tự địa chính trị đang thay đổi" – ECFR nhận định.
Minh Nhật