Đáng chú ý, là xét theo vùng kinh tế, Tây Nguyên là vùng có số ô tô trên 100 hộ dân cao nhất cả nước. Trung bình cứ 100 hộ dân Tây Nguyên thì có 9 ô tô. Trong khi nếu xét về thu nhập bình quân nhân khẩu thì Tây Nguyên lại ở nhóm khá thấp, đạt mức 3,2 triệu/nhân khẩu/tháng, chỉ xếp trên Trung du miền núi phía Bắc.
Đứng thứ hai là Đồng bằng sống Hồng với 8 ô tô. Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung ngang nhau với 6 ô tô trên 100 hộ dân. Ở vùng Đông Nam Bộ, số ô tô trên 100 hộ dân là 5 ô tô, trong khi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, con số này chỉ là 2 ô tô, thấp nhất cả nước.
Nếu phân theo nhóm thu nhập, ở nhóm 20% dân số giàu nhất, cứ 100 hộ dân thì có 14 ô tô. Con số này cao gấp 14 lần nhóm 20% dân số nghèo nhất, khi 100 hộ dân thì chỉ có 1 ô tô.
Ô tô là một trong số loại đồ dùng lâu bền được khảo sát trong KSMS 2022.
Theo báo cáo KSMS 2022, sử dụng đồ dùng lâu bền phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày là một khía cạnh phản ánh chất lượng đời sống hộ gia đình. Theo kết quả khảo sát, năm 2022, trên cả nước có tới 99,9% hộ gia đình có đồ dùng lâu bền. Tỷ lệ này đã đạt 100% ở khu vực thành thị, một số vùng kinh tế (Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long) và các hộ gia đình có mức thu nhập thuộc nhóm 3 (nhóm trung bình) trở lên.
Trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ gia đình có đồ dùng lâu bền tăng dần trong giai đoạn từ 2012-2020 và giảm nhẹ trong năm 2022. Năm 2022 trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ là hơn 84 triệu đồng, giảm gần 3,7 triệu đồng so với năm 2020.
Việc mua mới đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua cũng phản ánh mức độ thay thế và bổ sung thêm tài sản, thiết bị, phương tiện phục vụ đời sống hộ gia đình.
Năm 2022, tỷ lệ hộ có mua sắm đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua là 23,9%, giảm 10,5 điểm % so với năm 2020. Tỷ lệ này tiếp tục giảm cùng xu hướng với năm 2020 (năm 2020 giảm 9,8 điểm % so với 2018) cho thấy dường như những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ tới hành vi chi tiêu của hộ gia đình.
Hộ thắt chặt chi tiêu hơn, đặc biệt là những khoản chi mua tài sản có giá trị tương đối lớn như đồ dùng lâu bền. Có thể thấy, việc mua mới đồ dùng lâu bền bị cắt giảm ở cả hai khu vực thành thị (giảm 9,3 điểm %) và nông thôn (giảm 11,1 điểm %), ở tất cả các vùng và các nhóm thu nhập so với năm 2020.
Mặc dù tỷ lệ hộ gia đình mua mới đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua giảm đi nhưng trị giá đồ dùng lâu bền mua mới vẫn tăng lên. Năm 2022, trị giá đồ dùng lâu bền mua mới bình quân một hộ có mua trong 12 tháng qua đạt hơn 46 triệu, tăng hơn 16 triệu (gấp 1,6 lần) so với năm 2020.
Điều này cho thấy trong bối cảnh phải thắt chặt chi tiêu, với số ít các hộ gia đình mua sắm mới đồ dùng lâu bền năm 2022, hộ vẫn ưu tiên mua sắm các đồ dùng có giá trị cao, thời gian sử dụng lâu dài.
Về số lượng, một số loại đồ dùng lâu bền chủ yếu trên 100 hộ năm 2022 có xu hướng tăng so với 2020 như xe máy (165 so với 156), điện thoại (246 so với 210), tủ lạnh (95 so với 85), máy giặt (60 so với 54), máy điều hòa (68 so với 51) và bình tắm nước nóng (52 so với 43).
Sự gia tăng đáng kể số lượng đồ dùng lâu bền trong hộ gia đình cho thấy đời sống của hộ dân cư ngày càng được cải thiện, hiện đại và tiện nghi hơn.
Tuy nhiên, số lượng đồ dùng lâu bền (ô tô, máy vi tính, máy điều hòa nhiệt độ, bình tắm nước nóng) trên 100 hộ của các hộ dân cư thuộc nhóm nghèo nhất thấp hơn nhiều so với hộ thuộc nhóm giàu nhất phản ánh chênh lệch đáng kể về điều kiện sinh hoạt giữa các hộ gia đình.
Để đánh giá mức sống dân cư phục vụ hoạch định chính sách và lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, từ năm 1993 đến nay Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tiến hành nhiều cuộc điều tra mức sống dân cư.
Giai đoạn 2002 đến 2010, TCTK tiến hành Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam (viết gọn là KSMS) 2 năm một lần vào những năm chẵn. Giai đoạn 2011 đến 2022, KSMS được tiến hành hàng năm. Tuy nhiên, những năm lẻ chỉ thu thập thông tin về dân số, việc làm và thu nhập.
Mục đích của KSMS nhằm theo dõi và giám sát một cách có hệ thống mức sống của các tầng lớp dân cư Việt Nam; giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo; góp phần đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và các Mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.