Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng chỉ có người trẻ mới cần quản lý tài chính và có cách chi tiêu tiết kiệm phù hợp để lo cho cuộc sống sau này. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, những người cao tuổi cũng cần biết cách quản lý tài chính một cách thông thái và đầu tư một cách thông minh. Đừng mong chờ những điều may mắn "từ trên trời rơi xuống" hay trông chờ quá nhiều ở phía con cái, hãy tự chủ động xây dựng cho chính mình một cuộc sống an nhàn và hạnh phúc sau này. Hậu vận của bản thân có sung túc và bình an hay không phụ thuộc phần lớn vào quyết định của chính mình.
Bí quyết an hưởng tuổi già
Bước vào tuổi 60, việc quản lý tài chính khôn ngoan là chìa khóa để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn và an yên. Thay vì dồn hết tiền bạc cho con cái hoặc sống quá tằn tiện, người cao tuổi nên cân nhắc phân bổ 50% số tiền dành dụm cho ba hạng mục quan trọng.
1. Khoản tiền "đổ bê tông"
Khi bước sang tuổi 60, nhiều người thường có xu hướng dồn toàn bộ tiền tiết kiệm cho con cái mua nhà, mua xe, coi đó như một nghĩa vụ cần phải giúp con cháu. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến bản thân rơi vào tình thế khó khăn khi cần một khoản tiền lớn cho việc chữa bệnh hoặc các trường hợp khẩn cấp khác. Vì vậy, việc giữ lại một khoản tiền dự phòng cho bản thân là vô cùng cần thiết. Số tiền này đóng vai trò như một tấm lá chắn, giúp người cao tuổi có thể tự tin hơn trong cuộc sống và ứng phó với những tình huống bất ngờ. Do đó, ngay khi bước sang tuổi 60, hãy chi 1 phần tiền tiết kiệm hàng tháng và lập thành khoản tiền "đổ bê tông" - không được rút trừ trường hợp sinh tử.
Quản lý tài chính một cách thông thái là chìa khóa để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn và an yên. Ảnh minh họa: Baijia Hao.
2. Đầu tư cho con cháu một cách phù hợp
Việc chia sẻ một phần tài sản với con cái là điều nên làm, nhưng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đặc biệt khi con cái gặp khó khăn trong công việc và cuộc sống, sự hỗ trợ từ cha mẹ sẽ là nguồn động viên to lớn. Tuy nhiên, điều này chỉ nên thực hiện khi con cái có phẩm chất tốt và biết hiếu thuận. Hơn nữa, việc giúp đỡ con cái cũng là cách để người cao tuổi vun đắp tình cảm gia đình và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với con cháu.
3. Nâng cao chất lượng cuộc sống
Tuổi 60 là thời điểm mà nhiều người đã không còn quá nhiều ham muốn vật chất. Tuy nhiên, đây cũng là lúc họ nên trân trọng những khoảnh khắc quý giá của cuộc đời và dành thời gian để tận hưởng cuộc sống. Thay vì tiết kiệm triệt để và sống một cuộc sống tẻ nhạt, người cao tuổi nên sử dụng một phần tiền của mình để trải nghiệm những điều mới mẻ, theo đuổi sở thích cá nhân và nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc mua sắm những món đồ yêu thích, du lịch, tham gia các hoạt động xã hội... sẽ giúp họ cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.
Đầu tư thông thái giúp tuổi già luôn tự tin và vui vẻ. Ảnh minh họa: Baijia Hao.
Thời gian khỏe mạnh và an yên ở tuổi 60 không còn nhiều, do đó việc tận hưởng cuộc sống là điều vô cùng quan trọng. Một số người cao tuổi thường tự hạn chế bản thân trong việc chi tiêu, thậm chí cảm thấy tội lỗi khi mua sắm những vật dụng cần thiết. Tuy nhiên, cuộc sống chỉ có một lần, việc quá hà khắc với bản thân sẽ khiến người cao tuổi phải hối tiếc về sau. Điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền bạc một cách hợp lý, tránh lãng phí vào những khoản không cần thiết, đồng thời không nên cho người khác vay mượn tiền một cách dễ dãi, đặc biệt là khi không có khả năng thu hồi. Có không ít trường hợp người cao tuổi bị mất tiền do cho người thân vay mượn mà không đòi lại được, hoặc đầu tư kinh doanh thua lỗ. Những bài học này là lời cảnh tỉnh cho việc quản lý tài chính ở tuổi xế chiều. Mong rằng ai cũng có cho mình những khoản đầu tư thông thái để hậu vận luôn viên mãn và hạnh phúc.
Nhã Ý