Bộ GTVT ý kiến về việc lại thu phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương,
Về việc Cử tri tỉnh Long An vừa qua kiến nghị cho thu phí trở lại để bổ sung nguồn kinh phí nâng cấp, sửa chữa tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Luowg để đảm bảo ATGT. Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời về vấn đề này.
Bộ GTVT cho biết, ngay từ năm 2018, khi kết thúc hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Bộ GTVT đã nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề án quản lý, khai thác đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, trong đó có đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục tổ chức thu phí để có thêm nguồn thu nộp ngân sách nhà nước.
Theo đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 tại Điều 99 của dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xem xét, thẩm định hồ sơ trình Quốc hội dự thảo Luật Đường bộ.
Ngày 6/8/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp và tiếp tục giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với các dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT có Tờ trình 9860/2021 trình Chính phủ về phương án thu hồi vốn thông qua việc thu phí qua trạm.
Đặc biệt, ngày 24/8/2022, Bộ Tài chính có Tờ trình 192 báo cáo Chính phủ phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư. Văn phòng Chính phủ có văn bản 5960/2022 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, trong đó yêu cầu "Bộ trưởng Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan để trao đổi, thống nhất các nội dung về thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư trước khi trình Chính phủ".
"Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để sớm báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thu phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo", Bộ GTVT cho biết.
Bất cập việc kẻ vỉa hè Hà Nội
Ngày 3/3, Ban Chỉ đạo 197 Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai và ra quân tiến hành chiến dịch giành lại vỉa hè cho người dân. Chiến dịch này nhằm xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép làm nơi kinh doanh buôn bán cũng như trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố cho người đi bộ.
Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố như Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội); Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội);... phần vỉa hè dành làm chỗ đỗ xe được chia rộng và thoáng, trong khi phần đường dành cho người đi bộ bị án ngữ bởi rất nhiều vật cản như cột điện, bốt điện, gốc cây, biển báo. Phần vỉa hè dành cho người đi bộ dọc phố Kim Mã (hướng đi Nguyễn Thái Học) rất hẹp, có những đoạn bị xe máy chiếm trọn, khiến cho người đi bộ phải luồn lách vượt qua. Đặc biệt, phần lát đá có gờ nổi được thiết kế dành riêng cho người khuyết tật trở thành nơi đỗ xe máy của các hộ dân.
Theo Báo Lao động, các đợt ra quân xử phạt vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thời gian qua, Hà Nội mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Cơ quan chức năng cần tìm ra giải pháp căn cơ hơn, đánh vào gốc rễ của vấn đề giao thông đô thị Hà Nội thì mới có thể cải thiện vấn đề này.
Thành Đô (tổng hợp)