VietNamNet đưa tin, ngày 24/12, Bộ Y tế cho biết đã trình Chính phủ Đề án sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ, trong đó dự kiến sắp xếp giảm 4 bệnh viện chuyển giao về các bộ, ngành, địa phương quản lý.
Cụ thể, Bệnh viện 74 Trung ương chuyển giao nguyên trạng về UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Bệnh viện 71 Trung ương và Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Trung ương tổ chức lại thành hai bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tổ chức lại thành cơ sở 3 của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế. Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện lại đề án theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Được biết, cả nước hiện có 34 bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế với vai trò là bệnh viện tuyến cuối, trong đó có 11 bệnh viện đa khoa (như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E, Bệnh viện Chợ Rẫy...), 23 bệnh viện chuyên khoa (như Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Sản Trung ương, Bệnh viện K...), và 13 bệnh viện thuộc trường Đại học Y Dược trực thuộc Bộ Y tế (như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM...).
Theo Niên giám thống kê y tế năm 2020, số giường bệnh của các bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế chiếm 11,3% tổng số giường bệnh công lập trên cả nước. Tỷ trọng sử dụng dịch vụ y tế nội trú tại tuyến này chiếm khoảng 9,4%. Con số này với tuyến tỉnh là 51,4% và 37,3% với tuyến huyện. Tỷ trọng giường bệnh ngoài công lập chiếm khoảng 7% tổng số giường bệnh trên cả nước
Bộ Y tế cho hay, khi một số bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư, nâng cấp trở thành bệnh viện đảm nhận chức năng vùng, xu hướng sử dụng dịch vụ y tế của người dân ở tuyến trung ương sẽ giảm.
Cơ quan này dự báo, đến năm 2050, tỷ trọng sử dụng dịch vụ ở bệnh viện tuyến trung ương "mong đợi sẽ giảm xuống còn 5%". Khoảng 50% người bệnh sẽ sử dụng dịch vụ nội trú ở các bệnh viện tuyến tỉnh, 40% sẽ ở tuyến huyện.
Bộ Y tế cũng cho biết đang hoàn thiện đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia; đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong tháng 12/2024. Ngoài ra, Bộ Y tế đang sắp xếp, phê duyệt đề án vị trí việc làm của các đơn vị thuộc Bộ Y tế, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.
VTC News dẫn thông tin từ Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết thêm, đơn vị cũng đang khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong công tác tiếp nhận các nhiệm vụ từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Báo cáo kết quả ngành Y tế 2024, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh việc hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó vượt 2 chỉ tiêu về số bác sĩ/10.000 dân và số giường bệnh/10.000 dân, chỉ tiêu tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1%.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng nêu bật kết quả trình Quốc hội thông qua Luật Dược sửa đổi, Luật Báo hiểm y tế sửa đổi; đồng thời tham mưu ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trước mắt như mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế.
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn chỉ ra, trong tổng số 9 chỉ tiêu được giao, 1 chỉ tiêu không đạt là tỷ số giới tính trẻ em. Năm 2024, tỷ số này ước là 112,3 bé trai/100 bé gái, trong khi chỉ tiêu đặt ra là 111,2 bé trai/bé gái.
Hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn vướng mắc, chưa đồng bộ về bảo hiểm y tế, giá dịch vụ, tổ chức, biên chế... khiến các cơ sở y tế công lập thiếu động lực nâng cao chất lượng và chuyên môn, không chủ động được nguồn lực tài chính để tái đầu tư phát triển.
Sự khác biệt về chỉ số sức khỏe cơ bản như tuổi thọ trung bình, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em giữa các vùng miền chưa được cải thiện. Một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có nguy cơ cao, nhất là sốt phát ban nghi sởi tăng so với năm 2023.
Điển hình, tính từ đầu năm đến ngày 17/11, cả nước ghi nhận hơn 14.000 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 4 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc cao hơn 42 lần.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng thắng thắn thừa nhận, tình hình ngộ độc thực phẩm đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và do thức ăn đường phố.
Đặc biệt, tại một số địa phương, cơ sở y tế có lúc còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ vào một số thời điểm. Nguyên nhân do thiếu nguồn cung hoặc đấu thầu không kịp thời.
Số lượng hồ sơ đăng ký thuốc, thiết bị y tế lũy kế tồn đọng của giai đoạn trước mặc dù được Quốc hội, Chính phủ cho phép gia hạn đến 31/12/2024 nhưng cũng vẫn ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện. Thêm vào đó, việc triển khai các quy định mới như các chính sách mua sắm đấu thầu, xây dựng giá... còn gặp nhiều khó khăn.