Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình, hiện Quảng Bình có 7 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động, gồm: KCN Tây Bắc Đồng Hới, KCN Bắc Đồng Hới, KCN Tây Bắc Quán Hàu, KCN Cam Liên, KCN Cảng biển Hòn La, KCN Hòn La II và KCN cửa ngõ phía Tây có tất cả 40 nhà máy sản xuất đang hoạt động.
Thời gian qua, tỷ lệ lấp đầy trong các KCN ở Quảng Bình có tăng nhẹ. Trong đó, KCN Tây Bắc Đồng Hới hiện có tỷ lệ cao nhất với 100%, KCN cảng biển Hòn La (chưa tính phần mở rộng) lấp đầy 80%, KCN Bắc Đồng Hới (chưa tính phần mở rộng) lấp đầy 83,5%, KCN Hòn La II lấp đầy 20,5%, còn lại các KCN khác có tỷ lệ lấp đầy từ dưới 20%. Tuy nhiên, việc phát triển kết cấu hạ tầng KCN chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách Trung ương và một phần ngân sách địa phương hạn hẹp.
Bên cạnh đó, tiến độ triển khai các dự án đầu tư còn chậm; quy mô dự án cơ bản là vừa và nhỏ, sức lan tỏa, sức cạnh tranh thấp...
Theo ghi nhận của PV, phần lớn khu công nghiệp trước đây hệ thống hạ tầng đã thể hiện rõ nét sự xuống cấp, một số doanh nghiệp có dấu hiệu tạm ngưng hoạt động với hệ thống dây chuyền sản xuất đã cũ và lạc hậu.
Trong khi đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Bình đã tiếp tục xây dựng thêm Dự án KCN Bắc Đồng Hới mở rộng được đầu tư gần 150 tỷ đồng. Sau 2 năm khởi công thì đến nay đã hoàn thiện với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại trên quy mô hơn 50ha (trong đó đất cho doanh nghiệp thuê 32ha) nhưng vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp .
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Bình thì KCN Tây Bắc Đồng Hới có diện tích 66ha là KCN đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Vài nhà máy đã có từ trước khi hình thành KCN. Quan sát bằng mắt thường có thể nhìn thấy công nghệ dây truyền của các nhà máy, doanh nghiệp từ thời xưa để lại. Tại KCN này, vào thời điểm kinh tế bình thường, doanh nghiệp hoạt động có một ít lợi nhuận, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây thì hoạt động mang tính cầm chừng.
Để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình đã tiến hành đầu tư hoàn thiện hạ tầng KCN Bắc Đồng Hới mở rộng với diện tích hơn 50ha, trong đó đất cho doanh nghiệp thuê 32ha, theo phương án ứng nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, sau này sẽ hoàn trả.
Việc tỉnh xây dựng các KCN (bao gồm: GPMB, hệ thống hạ tầng…) để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đăng ký vào hoạt động là xu hướng phát triển tất yếu. Việc này sẽ rút ngắn thời gian GPMB, đảm bảo tiến độ của các dự án và đặc biệt, hạn chế tối đa tình trạng đăng ký để giữ đất.
“Trước đây, Ban cùng doanh nghiệp đi GPMB, đầu tư hạ tầng. Kinh phí có thể do doanh nghiệp bỏ ra hoặc ngân sách tỉnh hỗ trợ nhưng thời gian triển khai bị chậm. Nguyên nhân chủ yếu do GPMB mà có dự án bị chậm 1,2 năm thậm chí 5 năm.
Trước thực tế trên, Ban đã xây dựng các KCN hoàn thiện theo phương án ứng nguồn đầu tư từ ngân sách địa phương, sau này sẽ hoàn trả. Cụ thể, Ban “mượn” tiền Nhà nước GPMB sạch để nhà đầu tư họ vào; thứ hai, Ban cũng duyệt đề án xin đầu tư công vào mặt bằng mình đã giải phóng (mặt bằng, cơ sở hạ tầng…). Khi nhà đầu tư vào sẽ tính diện tích đất để nộp tiền cho nhà nước.
Như vậy, các nhà đầu tư họ muốn làm thực sự thì khi có mặt bằng sạch họ sẽ bắt tay vào làm ngay, sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Thứ hai, đơn vị nào vào giữ chỗ thì sẽ mất phí đầu tư rất lớn (1ha gần 5 tỷ đồng) nên cũng sẽ hạn chế được việc này”, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Bình Nguyễn Quốc Khánh cho biết thêm.
Ông Khánh còn thông tin, trước đây khi chưa hoàn thiện thì có 7 doanh nghiệp đăng ký đầu tư tại KCN Bắc Đồng Hới mở rộng. Tuy nhiên, hiện nay việc áp giá có phần thay đổi nên BQL Khu Kinh tế đang chờ hoàn tất các thủ tục phê duyệt giá. Lúc đó sẽ làm việc lại với nhà đầu tư để họ cân đối lại tài chính. Khi nhà đầu tư chấp thuận được mức giá đưa ra thì lúc đó mới có kế hoạch sẽ phân bổ các doanh nghiệp vào vị trí thích hợp và giành thửa đất có diện tích rộng hơn cho các doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn để hoạt động.
“Do đang trong gia đoạn suy thoái kinh tế nên việc doanh nghiệp đăng ký bị chậm lại, nhưng chúng tôi nghĩ, khi kinh tế phục hồi các doanh nghiệp sẽ đăng ký phủ đầy diện tích KCN này”, ông Nguyễn Quốc Khánh giải thích.
Theo số liệu của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình, trong 3 năm 2021-2023, các DN trong KKT, KCN đã nộp ngân sách 1.516 tỷ đồng chiếm 7,07% so với toàn tỉnh. Tổng doanh thu sản xuất công nghiệp đạt 11.812 tỷ đồng chiếm 25,62% so với toàn tỉnh; thương mại dịch vụ đạt 8.734 tỷ đồng, chiếm 6,02% so với toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu 239 triệu USD, chiếm 41% so với toàn tỉnh.
Xuân Hương