3 loại gia vị mà người cao huyết áp cần để ý
Tăng huyết áp là tình trạng thường gặp ở nhiều người cao tuổi và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Để kiểm soát huyết áp ổn định, người bệnh cần chú ý không chỉ việc dùng thuốc mà còn cả chế độ ăn uống hàng ngày, đặc biệt là việc sử dụng các loại gia vị. Dưới đây là những gia vị mà người bị cao huyết áp nên lưu ý.
1. Muối
Muối là gia vị thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày, nhưng nếu sử dụng quá mức, đặc biệt với người cao tuổi, sẽ khiến huyết áp tăng cao. Muối chứa natri, khi hấp thụ nhiều natri vào cơ thể, nước sẽ bị giữ lại, làm tăng thể tích máu, từ đó tạo áp lực lên thành mạch và làm tăng huyết áp.
2. Nước tương
Nước tương là gia vị quen thuộc trong nhiều món ăn, nhưng ít ai biết rằng hàm lượng natri trong nước tương thường cao hơn muối. Việc tiêu thụ quá nhiều nước tương dễ gây gánh nặng cho hệ tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và huyết áp cao.
3. Ớt
Ớt là một loại gia vị có tính cay, kích thích và có thể làm tăng hương vị món ăn. Tuy nhiên, với người cao huyết áp, ớt gây kích ứng và dẫn đến co mạch, dễ làm huyết áp tăng lên bất ngờ. Đặc biệt, các món ăn cay như dầu ớt cay nồng, nếu tiêu thụ thường xuyên sẽ tác động xấu đến mạch máu.
Có nên ngưng sử dụng hoàn toàn 3 loại gia vị trên?
Thực tế, các loại gia vị như muối, nước tương và ớt không tạo ra vấn đề quá lớn nếu được sử dụng một cách điều độ. Nhưng nếu ăn quá nhiều trong thời gian dài, đặc biệt đối với bệnh nhân cao huyết áp, chúng sẽ âm thầm tác động lên mạch máu của bạn, khiến huyết áp tăng cao.
Để kiểm soát huyết áp, người cao huyết áp nên duy trì lượng muối tiêu thụ dưới 3 gram mỗi ngày. Các món ăn có thể giảm muối mà vẫn đảm bảo hương vị bằng cách thay thế muối bằng các loại gia vị tự nhiên như gừng, tỏi, hoặc các loại thảo mộc như húng quế, bạc hà.
Người cao huyết áp nên chọn nước tương ít muối hoặc nước tương không chứa natri. Một lựa chọn khác là dùng các nguyên liệu thiên nhiên như nước cốt chanh, dấm táo hoặc các loại thảo mộc để thay thế, vừa giúp tăng hương vị vừa có lợi cho sức khỏe.
Đồng thời, họ cũng có thể ăn một chút ớt nhưng nên tránh các món cay đậm đặc và không dùng quá thường xuyên.
Thay đổi thói quen nêm nếm để kiểm soát huyết áp hiệu quả
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp. Những thay đổi nhỏ trong thói quen nêm nếm có thể giúp người bệnh giảm thiểu nguy cơ tăng huyết áp và các vấn đề về tim mạch. Thay thế các loại gia vị thông thường bằng nguyên liệu tự nhiên sẽ làm giảm lượng natri, hạn chế chất kích thích và bổ sung các dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
1. Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị tự nhiên thay thế
Các loại thảo mộc như húng quế, hương thảo, thì là, ngò gai, bạc hà, và rau mùi không chỉ mang đến hương vị mới lạ mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các loại gia vị này giúp giảm natri trong bữa ăn, hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện sức khỏe tim mạch. Hương liệu tự nhiên như gừng, nghệ, và tỏi cũng có tác dụng tăng cường hương vị mà không cần dùng đến muối hay nước tương.
2. Thay thế muối bằng chanh hoặc giấm
Nước cốt chanh và giấm táo là những nguyên liệu tuyệt vời giúp tăng độ chua và tạo hương vị tươi mát cho món ăn mà không làm tăng huyết áp. Chanh chứa nhiều vitamin C, giúp tăng cường miễn dịch và hỗ trợ giảm mỡ máu. Giấm táo cũng có lợi cho sức khỏe tim mạch, giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp.
3. Sử dụng nước xương hầm ít muối để nêm nếm
Nước hầm từ xương, gà, hay rau củ là một cách tạo vị ngọt tự nhiên mà không cần thêm muối hay nước tương. Bạn có thể dùng nước hầm này để nấu súp, canh, và các món kho thay vì sử dụng các loại gia vị nhiều natri. Nước hầm còn cung cấp các khoáng chất như canxi, kali và magiê, những thành phần có tác dụng tích cực đến huyết áp.
4. Giảm lượng muối dần trong chế biến món ăn
Nếu quen với món ăn mặn, bạn có thể giảm muối dần từng chút một trong các bữa ăn hàng ngày. Việc giảm từ từ sẽ giúp vị giác dần thích ứng với hương vị nhạt hơn mà không làm bạn cảm thấy quá khó chịu. Điều này cũng giúp giảm đáng kể lượng natri trong cơ thể, từ đó giảm áp lực lên thành mạch máu và kiểm soát huyết áp tốt hơn.
5. Tránh sử dụng nước chấm trong bữa ăn
Nhiều người thường có thói quen sử dụng nước chấm trên bàn ăn như nước tương, nước mắm hoặc sốt mayonnaise. Thói quen này vô tình làm tăng lượng muối tiêu thụ lên đáng kể. Để giảm thiểu, nên hạn chế việc để sẵn các loại nước chấm trên bàn. Bạn có thể thay thế nước chấm bằng cách thêm vài giọt chanh hoặc một chút dầu ô liu để tăng hương vị món ăn.
6. Chọn các loại gia vị ít natri
Hiện nay, có nhiều sản phẩm gia vị ít natri được bán trên thị trường, giúp người cao huyết áp có thêm lựa chọn.
Những lưu ý trong chế độ ăn uống đối với người cao huyết áp
Ngoài việc hạn chế sử dụng các gia vị có hại, người bệnh tăng huyết áp cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý để kiểm soát huyết áp tốt hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh
Thực phẩm chế biến sẵn chứa lượng natri rất cao do muối và các chất bảo quản. Để tránh tăng huyết áp, người bệnh nên hạn chế các loại thịt xông khói, thịt muối, xúc xích, và các món ăn nhanh. Khi ăn tại nhà hàng, nên yêu cầu nấu ít muối và chọn các món hấp, luộc thay vì chiên, rán để giảm thiểu lượng natri nạp vào cơ thể.
Hạn chế phô mai và thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa
Phô mai chứa canxi và protein tốt cho sức khỏe nhưng nhiều loại phô mai có hàm lượng muối và chất béo bão hòa cao, dễ làm tăng huyết áp và cholesterol. Người cao huyết áp nên chọn loại phô mai ít muối và tiêu thụ điều độ.
Kiểm soát đồ nướng và các loại đậu đóng hộp
Đồ nướng không chỉ tăng cholesterol mà còn làm động mạch xơ cứng, gây hại cho người cao huyết áp. Đậu đóng hộp cũng chứa nhiều muối, nên nếu phải sử dụng, hãy rửa sạch hoặc ngâm đậu trước khi chế biến để giảm bớt natri.
Tránh tiêu thụ rượu bia và chất kích thích
Rượu, bia và các chất kích thích làm tăng nhịp tim và gây tăng huyết áp. Người bệnh cao huyết áp nên hạn chế tối đa hoặc kiêng các loại đồ uống này để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Thùy Linh (Tổng hợp)