Đây là một vụ việc xảy ra với cô Li, một cư dân sống tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Tháng 10/2023, cô Li bất ngờ nhận được một cuộc gọi FaceTime từ người lạ. Như thường lệ thì cô sẽ không nghe máy vì đây, tuy nhiên số điện thoại này vẫn kiên trì nên cô Li nhấc máy để xem đối phương gọi điện cho mình vì lý do gì.
Sau đó, đối phương tự xưng là nhân viên ngân hàng và gọi đến với mục đích giúp cô Li hủy khoản phí 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng) phát sinh do việc tự động gia hạn. Không chỉ vậy, đối phương còn nắm rõ các thông tin của cô như tên, tuổi, số tài khoản ngân hàng và đáng chú ý là mặc đồng phục của ngân hàng mà cô đang đăng ký sử dụng tài khoản.
Những điều trên khiến cô Li tin rằng đối phương thực sự là người của ngân hàng. Sau đó, cũng vì đã tin tưởng nên cô đã mất cảnh giác. Khi người kia yêu cầu cô tải về một link được gửi trong tin nhắn, cô Li đã làm theo và không hề suy nghĩ. Ngoài ra, người đó còn hướng dẫn cô làm một số thủ tục như nhập mã xác minh ngân hàng để hủy khoản phí 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng).
Tuy nhiên, sau 30 phút thao tác theo hướng dẫn thì cô phát hiện điện thoại mình có dấu hiệu bất thường khi nó nóng lên rất nhanh. Không chỉ vậy, điện thoại còn bị khựng khiến cô lo lắng.
Chợt nghĩ đến khả năng bị lừa đảo, cô Li mở tài khoản ngân hàng thì nhận được thông báo tài khoản đã bị đăng nhập ở nơi khác. Cùng với đó là số tiền tiết kiệm 50.000 NDT (khoảng 175 triệu đồng) đã bị chuyển qua 1 tài khoản khác.
Ngay lập tức, cô Li gọi điện báo cảnh sát và chạy thẳng ra quầy giao dịch của ngân hàng. Tuy nhiên, vì số tiền đã được chuyển đi nên cảnh sát và ngân hàng không thể chặn giao dịch giúp cô Li không bị tổn thất.
Sau đó, cảnh sát chống lừa đảo của thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc đã vào cuộc điều tra và phát hiện điện thoại của cô Li có chứa mã độc. Sau đó, chiêu trò mới đang được kẻ lừa đảo lợi dụng cũng bị cảnh sát lật tẩy.
Đầu tiên, kẻ lừa đảo sẽ vào vai nhân viên hỗ trợ của ngân hàng hoặc nền tảng nào đó và thông báo với "con mồi" rằng họ đang gặp vấn đề. Như trường hợp của cô Li là khoản phí gia hạn. Với việc thông báo rằng nạn nhân gặp rắc rối, mất tiền, ảnh hưởng điểm tín dụng... chúng sẽ khiến nạn nhân rơi vào hoảng loạn.
Tiếp đến, chúng cho biết sẽ hướng dẫn nạn nhân xử lý vấn đề và dẫn dụ nạn nhân tham gia một cuộc gọi video trực tuyến, yêu cầu nạn nhân truy cập các trang web lạ, tải về phần mềm giả mạo có chứa mã độc. Các phần mềm này được ngụy trang là ứng dụng hữu ích nhưng thực chất chỉ là một ổ mã độc nhằm truy cập vào điện thoại để chiếm thông tin và quyền kiểm soát máy của nạn nhân.
Đến đây, khi đã gắn được mã độc vào máy, kẻ mạo danh sẽ yêu cầu nạn nhân kiểm tra tài khoản ngân hàng để lấy thông tin tài khoản và tiến hành đánh cắp tiền từ nạn nhân.
Sau đó, chúng sẽ tìm lý do như gặp vấn đề kỹ thuật, trục trặc để tạm thời xử lý và liên hệ cho người bị hại sau. Nhưng sau đó chẳng có cuộc gọi nào nữa.
Mã độc đã được cài, thông tin và mật khẩu tài khoản ngân hàng đã có thì cũng là lúc nạn nhân bị mất tiền mà không hề hay biết. Kể cả khi mã OTP được gửi về máy thì với mã độc theo dõi đã được cài cắm, kẻ gian vẫn có thể biết được số mã OTP và chuyển tiền thành công. Ngoài ra, chúng sẽ tắt thông báo tin nhắn để nạn nhân không kiểm tra được.
Trường hợp của cô Li, sau quá trình điều tra thì cảnh sát đã bắt được 3 nghi phạm tham gia vào đường dây lừa đảo tinh vi qua cuộc gọi Facetime này. Rất may mắn khi số tiền 50.000 NDT (khoảng 175 triệu đồng) của cô cũng đã được hoàn trả đầy đủ.
Cảnh sát Thâm Quyến sau đó cũng thông báo nếu nhận được cuộc gọi FaceTime từ người lạ, hãy xác nhận kỹ danh tính của người gọi vì tính năng này đã và đang bị nhiều kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo. Đối với người dùng Apple ít sử dụng FaceTime, nên tắt tính năng này để tránh rủi ro.
Để tắt tính năng FaceTime trên iPhone: Chọn Cài đặt (Settings) > Chọn FaceTime > Tắt FaceTime.
KV