Theo chia sẻ của lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, đinh lăng được coi là "nhân sâm của người nghèo" bởi những công dụng tuyệt vời mà nó đem lại cho sức khoẻ.
Cây đinh lăng được mọi người dùng ăn như rau gia vị để chữa nhức đầu. Có nơi thường lấy lá đinh lăng nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người mới khỏi ốm.
Các bộ phận của cây đinh lăng đều có thể sử dụng được. Người dân hái lá non dùng làm gỏi cá, gói với nem, làm gia vị ăn với thịt; phần củ, thân, lá khô dùng làm thuốc. Theo Đông y, lá đinh lăng có tác dụng giải độc, lợi niệu, tiêu mẩn ngứa. Rễ củ đinh lăng có tác dụng thông huyết mạch, tiêu sưng viêm, giảm đau, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, yếu sức.
Bạn có thể tìm hiểu cách trồng cây đinh lăng ở quanh sân hay vườn nhà để tiện lấy dùng khi cần, ngoài ra cũng để làm cảnh.
Cách trồng cây đinh lăng
Chuẩn bị:
Chọn cây giống: Từ những cây đinh lăng sinh trưởng mạnh 2 năm tuổi trở lên, không sâu bệnh hại, bạn chọn cành khỏe, cành bánh tẻ (vừa hóa nâu), cắt từng khoảng dài 10cm để làm hom giống.
Đất trồng tơi, xốp
Chậu trồng có thể bằng xi măng hoặc bằng nhựa to
Phân chuồng hoặc phân NPK.
Tiến hành trồng cây đinh lăng:
Giâm hom giống trong đất tơi, bón lót bằng phân chuồng hoặc phân NPK và tưới ít nước. Sau khi trồng xong, bạn phủ lên trên một lớp rơm hoặc bèo tây để giữ độ ẩm và tạo độ mùn cho đất.
Sau khoảng 25 - 30 ngày, lá non bắt đầu mọc ra. Lá ra bắt đầu nhiều và dài tầm 10cm thì bạn có thể nhổ trồng vào chậu. Cây có thể phát triển tốt nếu ở trong đất cát pha, tơi xốp và có độ ẩm trung bình, không thích hợp sống trong môi trường đọng nước.
Đinh lăng có thể trồng và phát triển tốt quanh năm, nhưng thời gian cây sống tốt, phát triển nhanh nhất là vào mùa xuân khoảng từ tháng 1 tới tháng 4.
Cách chăm sóc
Cây đinh lăng dễ trồng cũng dễ sống nên phát triển quanh năm, có tính chịu hạn, ít bị sâu bệnh hại cho nên bạn không cần phải tưới cây liên tục.
Trường hợp cây bị đọng nước phải thoát nước cho cây. Từ năm thứ 2 trở đi, bạn cần phải tỉa bớt lá và cành, mỗi năm 2 lần vào tháng 4 và tháng 9. Không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây.