Cả triệu người dùng Việt đang bị lừa bởi website giả mạo Zalo
Theo báo Sức khoẻ & Đời sống, ngày 8/10, Bkav đã phát đi cảnh báo về một hình thức lừa đảo mới, khi hàng triệu người dùng bị lừa bởi các website giả mạo Zalo như “zaloweb.me” và “zaloweb.vn”. Các trang web này được thiết kế để đánh cắp thông tin cá nhân và lừa đảo người dùng.
Theo thống kê từ Bkav, mỗi ngày có hàng triệu lượt truy cập vào các địa chỉ giả mạo này, chủ yếu từ những người tìm kiếm từ khóa “Zalo web” trên các công cụ tìm kiếm. Các trang web này có giao diện tương tự với trang chủ thật của Zalo, khiến người dùng khó nhận ra sự khác biệt.
Khi nhấp vào nút đăng nhập trên các trang giả mạo, người dùng có thể bị chuyển hướng đến các trang quảng cáo cá độ, nội dung không lành mạnh hoặc thậm chí các trang chứa virus. Đáng lưu ý, để tránh bị phát hiện, hacker đôi khi còn chuyển hướng người dùng trở lại trang Zalo chính thức tại địa chỉ https://zalo.me/.
Ông Võ Duy Khánh, chuyên gia từ Bkav, cho biết: "Chúng tôi đã theo dõi và phát hiện rằng có lúc các trang này cài đặt virus, có lúc lại chuyển hướng về trang chủ thật của Zalo. Với nhu cầu sử dụng Zalo trên trình duyệt tại các cơ quan, công sở, rất nhiều người dùng dễ dàng rơi vào bẫy khi tìm kiếm "zalo web" mỗi ngày, dẫn đến việc truy cập nhầm trang giả mạo. Điều này tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia".
Bkav đã báo cáo tình hình này lên Bộ Thông tin và Truyền thông để nhanh chóng ngăn chặn các website độc hại. Tuy nhiên, Bkav cũng khuyến cáo người dùng cần nâng cao cảnh giác, tránh truy cập các liên kết không rõ nguồn gốc và chỉ đăng nhập Zalo qua các địa chỉ chính thức như https://zalo.me/. Đối với những người đã vô tình truy cập vào các trang web giả mạo, cần nhanh chóng quét virus để đảm bảo an ninh mạng.
Giả mạo người giao hàng để lừa đảo khách hàng
Cũng trong ngày 8/10, thông tin từ Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, xuất hiện các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng (Shipper) gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Theo cơ quan Công an, thủ đoạn của các đối tượng là thu thập thông tin cá nhân qua việc người dân để lại thông tin cá nhân trên các trang mua hàng online; mua thông tin khách hàng qua các phiên livestream trên mạng xã hội; truy cập vào các trang mua hàng trên nền tảng mạng xã hội… Sau đó, đối tượng giả danh là nhân viên giao hàng của các đơn vị giao hàng uy tín gọi điện hỏi khách có nhà không.
Do bận hoặc không có ở nhà để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên khách hàng dễ dàng đồng ý chuyển khoản thanh toán cho đối tượng. Sau khi người dân chuyển khoản thành công, các đối tượng sẽ thông báo chưa nhận được tiền hoặc có sự nhầm lẫn số tài khoản, hệ thống sẽ tự động trừ 3 đến 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Nạn nhân muốn lấy lại tiền thì đối tượng sẽ gửi đường link liên kết đến trang web và số điện thoại giả mạo của đơn vị giao hàng để liên hệ. Khi người dân bấm vào đường liên kết giả mạo thì sẽ có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc, bị chiếm đoạt thông tin cá nhân quan trọng và mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử dẫn đến đối tượng dễ dàng lấy cắp tiền trong tài khoản.
Trước thủ đoạn giả danh shipper giao hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi nhận số điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa trực tiếp nhận hàng đã đặt; không nên chuyển tiền cho người lạ và cần xác minh thật kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản. Tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo.
Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.
Khi bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân cần đến Cơ quan Công an gần nhất trình báo để được hỗ trợ kịp thời, báo Đại Đoàn Kết thông tin.