Kyiv Post đưa tin, việc chuyển giao ATACMS được thực hiện qua hai đợt riêng biệt. Đợt đầu tiên diễn ra vào cuối năm 2023, khi Ukraine nhận được phiên bản cũ với tầm bắn khoảng 160km. Đợt này có thể chưa đến 10 tên lửa.
Đợt thứ hai được thực hiện bí mật vào tháng 3/2024, cung cấp phiên bản hiện đại hơn với tầm bắn lên tới 300km. Đợt này nằm trong gói viện trợ trị giá 300 triệu USD từ Mỹ, bao gồm nhiều loại vũ khí khác như tên lửa phòng không Stinger, đạn dược cho hệ thống HIMARS, đạn pháo 155mm và 105mm, cùng 84 hệ thống chống tăng.
Mặc dù cả Mỹ và Ukraine đều không công bố con số chính xác, nhưng có thể ước tính Kiev sở hữu không quá 50 tên lửa ATACMS. Về việc sử dụng, Ukraine đã triển khai ATACMS trong nhiều chiến dịch quan trọng kể từ khi nhận được. Cuộc tấn công đáng chú ý nhất là vào sân bay Dzhankoi ở Crimea ngày 17/4, được xác nhận sử dụng phiên bản tầm xa.
Ngoài ra, ATACMS dường như cũng được sử dụng trong nhiều chiến dịch khác. Vào đầu tháng 10 vừa qua, Ukraine đã tấn công một trạm radar "Nebo-M" của Nga tại một địa điểm không xác định. Tháng 7 năm nay cũng chứng kiến cuộc tấn công vào căn cứ không quân Saki ở Crimea, và ngày 16/7, bốn tên lửa M39 ATACMS mang đầu đạn chùm đã nhắm vào một bệ phóng tên lửa S-300 của Nga gần Mariupol.
Trước đó vào cuối tháng 6, một hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 của Nga được cho là đã bị tấn công bởi ATACMS với đầu đạn chùm.Tuy nhiên, không phải tất cả các cuộc tấn công này đều được xác nhận chính thức là đã sử dụng ATACMS.
Vì Ukraine sử dụng nhiều tên lửa ATACMS trong bất kỳ cuộc tấn công nào để đạt hiệu quả tối đa nên có khả năng Kiev sẽ chỉ còn lại một số lượng hạn chế các tên lửa ATACMS tầm xa nếu ban đầu chỉ có chưa đến vài chục quả tên lửa.
Trước đó, tờ New York Times hôm 17/11 dẫn lời các nguồn tin cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu Brian Nichols sau đó cũng đã xác nhận thông tin này.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, một số quốc gia EU cũng đã cho phép Kiev sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo vào đêm 19/11 rạng sáng 20/11, Ukraine đã lần đầu tiên phóng 6 tên lửa ATACMS vào vùng Bryansk của Nga.
Bình luận về vụ việc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào vùng Bryansk bằng tên lửa ATACMS là dấu hiệu cho thấy phương Tây đang cố tình leo thang căng thẳng. Cũng theo ông, Ukraine sẽ không thể tiến hành các cuộc không kích như vậy nếu như không có sự trợ giúp từ phía Mỹ.