Bộ Giao thông chấn chỉnh việc thu phí đường bộ, chặn tiêu cực
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Cục Đường bộ, các nhà đầu tư dự án, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí đường bộ tăng cường công tác quản lý vận hành, thu phí và kiểm tra giám sát thu phí.
Theo đó, thời gian qua, việc quản lý vận hành, thu phí BOT đường bộ đã được các doanh nghiệp thực hiện cơ bản ổn định. Thu phí tự động không dừng đã được đồng thuận cao, giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Tuy nhiên, hoạt động thu phí đường bộ còn một số tồn tại, như: Chủ đầu tư chưa tuân thủ đầy đủ chế độ báo cáo về lưu lượng và doanh thu theo quy định và hợp đồng, việc miễn, giảm phí chưa đúng đối tượng.
Bộ GTVT yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật và hợp đồng đã ký trong quản lý thu, chi ở giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao công trình; xây dựng các giải pháp tăng cường quản lý nội bộ, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý sự cố; không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thu phí đường bộ.
Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ phải quyết định theo thẩm quyền về việc tạm dừng thu, dừng thu phí khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định của hợp đồng dự án và quy định của pháp luật.
TP.HCM: Chạy thử nghiệm tàu Metro số 1 với hệ thống bảo vệ tàu tự động
Ngày 18/1, tàu Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã chạy thử nghiệm 1 đoạn trên cao với hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP). Lần chạy thử nghiệm này được đánh giá thành công.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM, so sánh giữa 2 đợt chạy thử (21/12/2022) và (18/1/2023), trong đợt chạy thử nghiệm lần này, ngoài việc kiểm tra các hệ thống tiếp cung cấp điện, hệ thống đường ray, còn có hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP) của Hệ Thống Tín Hiệu (Signalling) nhằm đánh giá khả năng bảo vệ tàu và hành khách khi có vật cản hoặc sự cố bất ngờ.
Dự kiến, sau Tết Nguyên đán 2023, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM và nhà thầu sẽ tiếp tục phối hợp để chuẩn bị cho công tác chạy thử nghiệm vận hành tàu tự động hoàn toàn (ATO).
Liên tiếp xảy ra tai nạn, yêu cầu xử lý nghiêm các lái xe vi phạm
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có chỉ đạo "Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô" đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân, kiêm Trưởng ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách kinh doanh vận tải, điển hình là vụ tai nạn giao thông trên đường dẫn vào tuyến cao tốc Quảng Ngãi ngày 16/1 làm 1 người chết và 26 người bị thương; vụ tai nạn giao thông tại Hòa Bình (tại km 130+500, quốc lộ 6, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) ngày 18/1 làm 3 người chết và 2 người bị thương và vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận ngày 18/1 làm 2 người chết, 3 người bị thương.
Nhằm phòng tránh và hạn chế những vụ việc tương tự xảy ra, đồng thời tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm Trưởng ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 1174/CĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023.
Đồng thời, lực lượng chức năng chú trọng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông của lái xe, chủ xe kinh doanh vận tải hành khách, quan tâm kiểm tra việc thực hiện quy định về an toàn kỹ thuật phương tiện và thời gian lái xe, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của lái xe và chủ xe.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)