Trần Linh Chi, hiện đang đảm nhiệm một công việc không mấy xa lạ nhưng lại ít được nhắc đến ở Việt Nam, đó là Narrative Game Designer tại Imba Games. Nhiệm vụ của Linh là lập kế hoạch cho hướng đi của các bối cảnh sao cho phù hợp nhất với cơ chế chính của trò chơi, đồng thời đảm bảo quy trình giới thiệu chúng đến khán giả một cách hiệu quả (bao gồm việc thiết lập các kịch bản đối thoại, nhiệm vụ liên quan, tiến độ, nhịp độ,...)
Để nói về độ tài năng, Linh Chi còn đang là 2D Art Manager phụ trách tổ chức và quản lý tất cả các tài sản nghệ thuật 2D Kawaii, bao gồm hàng trăm ngàn nhân vật, đồ trang trí, và tài nguyên trang phục, cùng với việc phân công và theo dõi khối lượng công việc của các nghệ sĩ.
Và cương vị Product Owner gần đây mà Chi được giao trọng trách đã chứng minh cho tài năng không giới hạn của nữ game designer, đó là đảm nhận toàn bộ dự án và các bộ phận khác nhau trong đội ngũ cũng như chịu trách nhiệm toàn bộ khâu sản xuất dự án trò chơi.
Hành trình mang vũ trụ Kawaii đến với cộng đồng thế giới của cô nàng 9X
Linh chi cho biết, ở thời điểm 10 năm trước khi vừa bước vào nghề thì chưa có nhiều studio làm game ở Việt Nam chú trọng phát triển các dòng game hướng đến người chơi nữ, đa phần nghĩ đến game người ta vẫn sẽ nghĩ đến các thể loại đối kháng, nhập vai, cày cuốc chủ yếu dành cho nam giới, vậy nên cơ hội dành cho các bạn nữ theo đuổi nghề thiết kế game cũng khá hạn chế do định kiến giới.
“Thật ra mình là một trường hợp khá may mắn khi dự án đầu tay tham gia là một game thể loại mô phỏng casual dành cho nữ giới, với hướng phát triển khá phù hợp với định hướng và trải nghiệm cá nhân của mình”, Chi kể.
Và có lẽ do đặc thù dòng game Kawaii (đáng yêu) nên môi trường làm việc của Linh Chi cũng có nhiều đồng nghiệp nữ khác. Sếp của Chi và các bạn nam khác trong đội ngũ phát triển khá tâm lý và hỗ trợ các đồng nghiệp nữ rất nhiều trong công việc, cũng như hay chuẩn bị những món quà nhỏ nhân các dịp lễ đặc biệt như 8/3, 20/10… “Còn khi bắt tay vào công việc thì mọi người bất kể nam nữ đều phải làm tốt phần việc của mình, không có sự ưu ái đặc biệt nào ở đây đâu nha”, Chi hài hước nói.
Theo Linh Chi, việc thấu hiểu nhu cầu của người chơi nữ giúp Chi đưa ra những phương án thiết kế phù hợp và đúng trọng tâm hơn, nhờ đó được trao quyền quyết định rất nhiều khâu thiết kế quan trọng trong dự án dù chưa có nhiều kinh nghiệm. Chính việc được tạo điều kiện tự mày mò, phát huy khả năng của bản thân giúp cô tiến bộ và thích nghi rất nhanh với công việc, từ đó có thể gắn bó lâu dài và cùng team xây dựng vũ trụ Kawaii đến hiện tại.
“Trước đây mình nghĩ rằng để làm thiết kế game thì hẳn phải giỏi tính toán cân bằng thông số lắm, mà mình thì lại không tự tin lắm khoản này. Sau khi bén duyên với nghề, mình mới biết thật ra có rất nhiều mảng chuyên môn trong thiết kế game như Level Designer (thiết kế màn chơi trong game), Mechanics Designer (thiết kế các quy luật, cơ chế đặc trưng của game), System Designer (thiết kế công thức, thuật toán đằng sau cơ chế game), v.v... Mình chọn đi sâu vào nhánh thiết kế nội dung dẫn dắt mạch game (Narrative Designer) vốn phù hợp nhất với sở trường và định hướng phát triển của mình”, cô nàng chia sẻ.
Khi “Kawaii” không chỉ là dễ thương mà còn mang đến năng lượng “chữa lành”
Khi chọn từ “kawaii” để gắn liền với các dự án game hướng đến người chơi nữ, Chi và team của cô mong muốn có thể khơi gợi được cảm xúc hưng phấn, thích thú khi chúng mình nhìn thấy một món đồ hay một sinh vật xinh xắn nào đó, kiểu khiến bạn phải thốt lên “Ỏ cưng quá à!!” và bất giác mỉm cười.
Trước hết, nhóm của Chi sẽ cần xác định thể loại và core gameplay phù hợp với đối tượng người chơi mà dự án game hướng đến, rồi từ đó cùng brainstorm phương án xây dựng các tính năng và bối cảnh chủ đạo phù hợp. Các ý tưởng đưa ra sẽ được chọn lọc kỹ càng để làm bật lên được lợi thế cạnh tranh độc nhất (USP) của game, cũng như phù hợp với sở trường, kinh nghiệm của team.
“Sau khi cân nhắc kỹ càng, bọn mình quyết định tập trung vào 2 yếu tố cốt lõi cho phần lớn các game thuộc vũ trụ Kawaii: Thứ nhất là cảm xúc, sự đồng cảm của người chơi dành cho các nhân vật thông qua việc đồng hành cùng quá trình phát triển của họ. Để làm được điều này, mỗi nhân vật đều xây dựng kỹ lưỡng với từng nét tính cách, xuất thân đặc thù và câu chuyện cá nhân riêng biệt. Chúng mình muốn các nhân vật này vừa phải thật thu hút với tạo hình đặc trưng, bắt mắt, đồng thời vẫn sinh động và gần gũi hết mức có thể.
Yếu tố thứ hai là việc trao quyền tùy chọn cho người chơi, từ các lựa chọn phương án hội thoại khác nhau, cho đến việc tùy chỉnh ngoại hình nhân vật đại diện của người chơi theo ý thích của họ, và trang trí nội thất biệt thự, sân khấu theo gu thẩm mỹ riêng của người chơi. Cả hai yếu tố này sẽ tăng tính sở hữu và làm phong phú trải nghiệm nhập vai của người chơi trong game, khuyến khích họ gắn bó với game lâu dài hơn”, Chi chia sẻ.
Niềm tự hào khi trở thành ứng dụng được Apple “chọn mặt gửi vàng”
Là một trong những ứng dụng được Apple “chọn mặt gửi vàng”, Chi xúc động chia sẻ bản thân rất vui và tự hào khi thành quả của cả team được công nhận và giới thiệu đến khán giả toàn cầu. Đặc biệt, team Chi vốn cũng có rất nhiều bạn nữ tham gia vào quá trình phát triển game nên việc các tựa game Kawaii Mansion, Kawaii Theater Solitaire và Kawaii Hotspring được feature trên App Store cũng là một món quà tinh thần rất lớn. “Đây là động lực rất lớn để tụi mình tiếp tục phát triển vũ trụ Kawaii ngày càng đa dạng và hoàn thiện hơn, cũng như có thể truyền cảm hứng và lan tỏa được thông điệp tích cực của game đến nhiều người dùng hơn nữa”, cô nàng xúc động.
Linh Chi cho biết sẽ tiếp tục trau dồi các kiến thức chuyên môn liên quan, bên cạnh việc tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực chiến để có thể đồng hành cùng team sản xuất tạo ra nhiều dự án thành công hơn.
Với Tile Plays: Kawaii Show Design, game vẫn giữ bối cảnh đoàn kịch quen thuộc nhưng có cách truyền tải sinh động, thú vị hơn: người chơi có thể tận mắt theo dõi nhân vật diễn hoạt nội dung kịch trong bối cảnh và trang phục đã được tùy chọn trước đó. Mọi người có thể tải về trải nghiệm và chia sẻ phản hồi về game với Chi và đội ngũ Kawaii Art Team.
Tựa game mới nhất trong vũ trụ Kawaii là Tile Plays: Kawaii Show Design vừa được chính thức ra mắt trên App Store, với lối chơi cốt lõi là hình thức xếp hình Tile Match cải tiến, kết hợp cùng đồ họa màn hình dọc trực quan và thuận tiện thao tác.
Ngoài ra, cô nàng cũng mong muốn thử sức với một thể loại game mới, với cơ chế chơi và đối tượng người dùng khác hoàn toàn với các game thuộc dòng Kawaii. “Hiện mình đang tham gia hợp tác sản xuất một dự án game thuộc thể loại Idle RPG có tựa đề “Meow Meow Warriors” sắp ra mắt bản iOS trong tương lai không xa. Hãy cùng dõi theo cuộc hành trình của những chiến binh mèo Mewtopia đáng yêu chống lại tập đoàn mèo máy Mewcha xấu xa nhé”, Chi nói.
Cô nàng 9x cũng không quên dành lời khuyên cho những bạn muốn theo đuổi lĩnh vực thiết kế game trong tương lai.
“Lời khuyên của mình là hãy chuẩn bị tốt nhất cho bản thân bằng cách tự tìm hiểu, trau dồi kiến thức chuyên môn, và trải nghiệm càng nhiều thể loại game đa dạng càng tốt – luôn chú ý phân tích, đánh giá những trải nghiệm này dưới góc nhìn của một nhà thiết kế game chứ không chỉ ở góc độ người chơi đơn thuần, và tự đúc kết, rút ra bài học cho mình.
Với các bạn đã và đang làm công việc thiết kế game, hãy lưu ý rằng sản phẩm game là sản phẩm tập thể, và người thiết kế game không chỉ là người nghĩ ra ý tưởng hay ho cho các bên khác làm theo mà là người nắm vai trò chủ chốt trong việc truyền đạt, phối hợp giữa các bộ phận (đồ họa, lập trình, v.v…) với nhau để tạo ra sản phẩm game hoàn chỉnh. Do đó, ngoài chuyên môn thiết kế, hãy cố gắng trau dồi kỹ năng giao tiếp, truyền đạt của mình để việc teamwork được thuận lợi nhất có thể.
Ngoài ra, với sự biến động mạnh mẽ của thị trường và công nghệ trong những năm gần đây, thì kể cả khi bạn đã từng có những thành công nhất định với những tựa game trước đây thì cũng đừng “ngủ quên trên chiến thắng” - hãy luôn sẵn sàng linh hoạt cập nhật các công nghệ, kiến thức mới để không bị bỏ lại phía sau nhé!”, Chi chia sẻ.
Huỳnh Duy - Thiết kế: Huy Minh