Zhang Jingyi, một người phụ nữ trẻ ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã mắc chứng trầm cảm sau sinh khi đứa con đầu tiên ra đời. Trong những ngày tối tăm đó, không phải ai khác mà chính chú ngựa cưng của cô - được đặt tên là Hanzi - đã giúp cô vượt qua. Thế nhưng khi cô đã ổn định trở lại thì nhận được một tin vô cùng đáng buồn, Hanzi đã bị gãy 1 chân.
Tứ chi của ngựa rất mỏng manh, khi 1 chân bị thương, tất cả áp lực sẽ dồn lên 3 chân còn lại và gây ra tình trạng viêm móng cực kỳ khó chịu đối với động vật. Cũng giống như việc điều trị gãy xương của con người, chú ngựa phải bó bột chân và không được di chuyển trong nhiều tháng.
Trong tình huống này, hầu hết những người chủ đều biết rằng họ sẽ không bao giờ có thể cưỡi ngựa của mình nữa, ngay cả khi nó đã lành hẳn. Thậm chí nhiều người sẽ chọn giải pháp an tử để tiết kiệm thời gian, tiền bạc và tránh cho con vật phải chịu thêm đau đớn. Khi biết tin, cô Zhang đã nghẹn ngào nói qua điện thoại với người bạn thân của mình: “Tôi nghĩ Hanzi sắp phải ra đi”.
Thế nhưng cô Zhang vẫn không muốn từ bỏ Hanzi. Thay vào đó, người mẹ trẻ bắt tay vào việc tham khảo các thông tin từ khắp nơi trên thế giới để được hướng dẫn cách trị liệu cho chú ngựa của mình. Cô đã chi hàng trăm nghìn NDT cho việc điều trị và đồng hành của “người bạn” của mình trải qua 6 tháng bất động và phục hồi chức năng khó khăn.
Cùng nhau vượt qua
Zhang mua Hanzi khi cô đang ở trong độ tuổi 20 với giá 100.000 NDT (hơn 350 triệu đồng) vào tháng 3/2020. Chú ngựa 3 tuổi có chiều cao chỉ khoảng 1,65 mét và có bộ lông màu trắng nâu hiếm. Tuy nhiên, sau khi đưa Hanzi về nhà, Zhang nhanh chóng phát hiện ra Hanzi không được huấn luyện kỹ càng và không thể làm theo các hướng dẫn cơ bản. Do vóc dáng nhỏ bé, ban đầu nhiều người thân và bạn bè của Zhang còn trêu đùa Hanzi là một "chú lừa xấu xí, suy dinh dưỡng".
Điểm mạnh của Hanzi là rất thân thiện và dễ tính, chính điều này đã giúp ích rất nhiều trong thời kỳ hỗn loạn của cuộc đời Zhang. Lúc mới sinh con gặp nhiều áp lực cùng rối loạn cảm xúc, cô sẽ đến thăm Hanzi mỗi ngày, cưỡi và cùng nó chạy vượt qua các chướng ngại vật.
"Khi bạn đang cố gắng thoát khỏi xã hội, một con ngựa có thể nâng bạn dậy", cô nói. Đồng thời, việc nhìn thấy Hanzi lớn lên và dần tiến bộ cũng khiến Zhang cảm thấy mãn nguyện và như được an ủi về mặt tinh thần. Trong hơn 2 năm, chú ngựa nhỏ bé ngày nào đã cao lớn và khỏe mạnh hơn, học được cách làm theo lệnh và nhảy qua các chướng ngại vật.
Nhưng vào cuối năm 2022, cuộc sống yên bình của Zhang đã bị phá vỡ. Đại học Thể thao Bắc Kinh - nơi Hanzi được gửi lại vẫn bị phong tỏa vì đại dịch, những con ngựa cũng không được ra ngoài. Sau 1 tháng, chúng được thả ra để chạy tự do, nhưng một số con ngựa được phát hiện đã không thể giữ thăng bằng được, trong đó có cả Hanzi.
Sau khi chụp X-quang, bác sĩ thú y xác nhận Hanzi bị gãy xương ống chân nhỏ, nằm ngay phía trên móng, ở chân trước bên phải. Vì nguồn lực y tế để điều trị thương tích cho ngựa ở Trung Quốc còn hạn chế, Zhang đã liên hệ với mọi dịch vụ thú y mà cô có thể tìm thấy trên toàn quốc, nhưng không ai biết cách điều trị vết gãy xương của Hanzi. Trong thời gian ngắn, tất cả những gì cô có thể làm là nhờ một bác sĩ tạm bó bột cho chú ngựa để tiếp tục tìm cách.
Các phương án điều trị ở nước ngoài có chi phí quá cao và cần nhiều thủ tục, Zhang đã liên hệ với một bác sĩ thú y đồng ý bay đến Trung Quốc. Nhưng nơi duy nhất trong nước phù hợp để phẫu thuật cho ngựa là một bệnh viện ở tỉnh Giang Tô, và Hanzi không đủ điều kiện để di chuyển quãng đường xa như vậy.
Thời gian trôi qua, tình trạng sức khỏe của Hanzi trở nên tồi tệ hơn, Zhang được khuyên nên ngừng tìm kiếm phương pháp điều trị và lên lịch cho chú ngựa của mình được an tử. Dường như đã không còn hi vọng, Zhang đành nén nước mắt chọn ngày để tiễn Hanzi ra đi.
Phép màu đã đến
Một ngày trước cuộc hẹn an tử của Hanzi, Zhang thông tin từ anh trai cô rằng một người quen của anh làm nghề thú y đã cứu được một chú ngựa bị gãy chân. Dù chỉ là một tia hy vọng le lói, Zhang vẫn muốn bám víu vào để cứu lấy Hanzi.
Ban đầu, họ thử thiết kế nẹp Schroeder-Thomas, loại nẹp mà các bác sĩ thú y thường dùng để cố định các chi bị gãy ở động vật nhỏ, nhưng nó lại không phù hợp với động vật có kích thước lớn như Hanzi. Cuối cùng, thông qua internet, Zhang tìm được bản thiết kế về khung treo hỗ trợ chuyên dụng cho những con ngựa bị gãy chân. Đây là dụng cụ điều trị phổ biến ở nước ngoài nhưng chưa được biết đến nhiều ở Trung Quốc.
Theo thời gian, có thêm nhiều người đã vào cuộc để giúp đỡ. Vì không thể di chuyển, Hanzi bắt đầu trở nên cáu kỉnh và chán nản, vì vậy Zhang cùng bạn bè của cô và những người huấn luyện ngựa sẽ thường xuyên ghé qua để bầu bạn với nó. Thậm chí, một người bảo vệ ở Đại học Thể thao Bắc Kinh còn thường thức dậy vào khoảng 2 giờ sáng để đảm bảo con ngựa được an toàn và khỏe mạnh.
Hành trình đầy khó khăn này này tiếp tục cho đến tháng 7/2023, khi vết chai của Hanzi đã lành, điều đó có nghĩa là quá trình điều trị ban đầu đã kết thúc. Lúc được tháo khỏi dây treo, Hanzi không thể đứng và khuỵu xuống. Zhang cho biết: "Lúc này, chúng tôi không biết liệu nó có thể bám trụ được không. Tôi cũng không biết nó còn có thể đứng vững hay đi lại được nữa không”.
Việc phục hồi sức mạnh cơ bắp của Hanzi cũng là một quá trình chậm chạp. Để bắt đầu, người huấn luyện sẽ đưa nó đi bộ ngắn 10 phút quanh chuồng ngựa. Nhìn chú ngựa run rẩy bước từng bước thận trọng, Zhang sợ rằng nó sẽ ngã xuống đất bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Hanzi vẫn chịu đựng được.
Khi Zhang ghi lại quá trình hồi phục Hanzi và chia sẻ lên mạng xã hội, rất nhiều lời động viên đã gửi đến cho cô, bày tỏ sự cảm động về nghị lực của cả cô và Hanzi. Cũng có nhiều người đặt câu hỏi tại sao cô lại chi đến 200.000 nhân dân tệ (hơn 700 triệu đồng) tổng chi phí điều trị cho một con ngựa, đặc biệt là khi nó không còn có thể tham gia các môn thể thao cạnh tranh như đua ngựa hoặc các sự kiện cưỡi ngựa.
Zhang bày tỏ: “Bất kể phải tốn bao nhiêu, tôi cũng thấy việc cứu nó là xứng đáng. Hanzi là gia đình của tôi. Mặc dù số tiền điều trị đủ để tôi mua một con ngựa khác đắt tiền hơn, nhưng tình cảm là thứ không thể thay thế được. Bây giờ nó có vẻ vô dụng, chỉ ăn và ngủ, nhưng đối với tôi Hanzi vô cùng mạnh mẽ. Thật là một phép màu khi Hanzi lại có thể sống hạnh phúc mỗi ngày sau tất cả những gì chúng tôi đã trải qua.”
Tính đến tháng 7 năm nay, Hanzi đã hồi phục đáng kể. Chú ngựa đã có thể đi bộ với tốc độ đều và đứng gặm cỏ mà không cần trợ giúp. Zhang có thể không bao giờ được cưỡi Hanzi nữa, nhưng chú ngựa vẫn còn sống, với cô điều đó đã là quá đủ.
(Theo Sixthtone)
Nguyên An