Theo những quy định đã được Bộ Công an ban hành từ cuối năm 2019 về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, những phương tiện không chính chủ lưu thông trên đường kể từ đầu năm nay sẽ bị coi là vi phạm. Cụ thể, xe không chính chủ sẽ là những trường hợp mua, được tặng cho, thừa kế xe mà không làm thủ tục sang tên hợp pháp tại các cơ quan nhà nước.
|
Với sự thay đổi trên, đa phần người dân cảm thấy bỡ ngỡ khi không ít người đang sử dụng xe không chính chủ. Điều này một phần đến từ quá trình mua đi bán lại qua nhiều đời chủ, hoặc vấn đề trao tặng giữa người nhà với nhau. Nếu như tiến hành sang tên lại sẽ dẫn đến khá nhiều những thủ tục rườm rà, phức tạp. Không chỉ vậy, việc kiểm tra xe chính chủ thông thường sẽ được thực hiện khi người điều khiển có dấu hiệu vi phạm giao thông hoặc qua công tác điều tra xử lý tai nạn, nên vì vậy đa phần người dân vẫn chưa có ý thức cao trong vấn đề xe chính chủ này.
|
Theo chia sẻ từ lực lượng chức năng, người dân khi tiến hành mua bán phương tiện cần đến cơ quan công an làm thủ tục sang tên đổi chủ theo đúng qui định là trong vòng 30 ngày. Nếu để quá thời hạn trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với trường hợp giấy tờ mua bán bị thất lạc hoặc không tìm được chủ cũ của phương tiện, việc làm thủ tục để hợp thức hóa tài sản sẽ không thực hiện được.
|
Còn về mức phạt cụ thể, đối với xe máy cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng. Trong khi đó đối với xe ô tô, mức phạt này sẽ là từ 2 triệu đến 4 triệu đồng.
Sơn Bằng