Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết, nhưng ngay từ lúc này, không ít người đã chuẩn bị, lên kế hoạch sắm sửa cho kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm. Đương nhiên, một trong những vấn đề đầu tiên mà nhiều người nghĩ tới, chính là: Tiền đâu tiêu Tết?
Bao nhiêu cái khó, bao nhiêu sự phân vân lẫn băn khoăn, có lẽ, cũng đều gói gọn trong câu hỏi ấy.
Nhà 3 người, riêng tiền mua thực phẩm đã tốn 13,5 - 15,5 triệu đồng
Mới đây, trong 1 cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, tâm sự của một cô vợ về cách khoản chi tiêu dự trù cho dịp Tết sắp tới, khiến nhiều người cảm thấy choáng váng, không thể tin nổi.
Chuyện là vợ chồng cô mới có 1 con nhỏ, nhưng cả nhà nội và nhà ngoại đều đông họ hàng, con cháu, cứ đến Tết là quây quần ăn uống, nên chỉ riêng tiền mua thực phẩm chuẩn mấy ngày Tết cũng đã tốn 13-15 triệu đồng.
“Nhà em đã ra riêng, ở quê em tốn nhất là phần cúng tất niên và cúng đầu năm, nên Tết chi khá nhiều. Thêm phần ba mẹ 2 bên đều đông anh em, con cháu, nên cúng phải làm 10-12 mâm mới đủ, vả lại ở quê, mời là phải mời hết, không thể bỏ người này, mời người kia” - Cô viết.
Với tình trạng như vậy, các khoản chi dự kiến của gia đình cô trong dịp Tết này, có thể tóm tắt như sau:
- Chi phí cỗ bàn, thực phẩm (cúng tất niên/đầu năm, bánh chưng, bánh kẹo, đồ ăn bày ban thờ): 13,5 - 15,5 triệu đồng
- Mua hoa, trái cây trưng Tết: 2,7 triệu đồng
- Tiền biếu bố mẹ 2 bên: 3 triệu đồng
- Tiền lì xì: 5-6 triệu đồng
- Tiền tiêu Tết của 2 vợ chồng: 7 triệu đồng
- Phát sinh: 1 triệu đồng
Như vậy, Tết này, gia đình dự chi hết khoảng 32,2 - 35,2 triệu đồng. So với mức thu nhập và mức thưởng Tết là 51,6 triệu đồng, thì gia đình vẫn đủ tiền tiêu Tết và tiền chi tiêu cho 1 tháng sau Tết.
Tuy nhiên, trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người cảm thấy bất ngờ với chi phí mà 2 vợ chồng cần chi cho khoản thực phẩm, đồ ăn dịp Tết. Đành rằng Tết là dịp gia đình, họ hàng quây quần bên nhau, khoản tiền ăn cũng không nên co kéo quá mức, nhưng chi phí cho riêng khoản này đã lên tới 13-15 triệu đồng, thì có phần hơi cao.
Tựu trung lại, dù có thắc mắc và cảm thấy việc chi gần 15 triệu cho riêng khoản tiền ăn dịp Tết là nhiều, nhưng công tâm mà nói, vấn đề này cũng rất khó cắt giảm, vì còn tùy nếp văn hóa của gia đình, địa phương.
Tiêu Tết muốn tiết kiệm, cần lên kế hoạch chi tiêu, mua sắm thế nào?
Để chủ động hơn trong việc chuẩn bị tiền tiêu Tết nói riêng, và trong vấn đề tài chính nói chung, bạn có thể tham khảo 2 gợi ý dưới đây.
1 - Tiết kiệm tiền tiêu Tết càng sớm càng tốt
Người độc thân sẽ không tiêu Tết giống người đã có gia đình, số tiền cần tiết kiệm để tiêu Tết vì thế cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, dù đang ở trạng thái nào đi chăng nữa, bạn vẫn có thể dự trù, áng chừng ngân sách tiêu Tết bằng việc rạch ròi từng khoản chi cụ thể:
- Tiền đi lại (cả 2 chiều)
- Tiền lì xì (ông bà, bố mẹ, các cháu, con của bạn bè,...)
- Tiền chăm sóc bản thân (mua quần áo, làm tóc, làm nail,...)
- Tiền mua thực phẩm (bánh chưng, gà, giò chả,...)
Sau khi liệt kê tất cả các nhu cầu của bản thân (và gia đình) trong dịp Tết cùng mức ngân sách cho từng khoản, nếu cảm thấy tổng số tiền hơi cao, bạn có thể tiếp tục rà lại từng nhu cầu, để tìm ra những mục có thể cắt giảm. ví dụ như giảm tiền mua quần áo và tiền làm nail trong mục “Tiền chăm sóc bản thân” chẳng hạn.
Khi đã chốt được mức ngân sách cuối cùng, bạn đem chia cho 12, là sẽ biết số tiền mình cần tiết kiệm mỗi tháng để đón Tết chủ động, đỡ áp lực tài chính.
2 - Không tiêu hết thưởng Tết
Nếu đã có sự chuẩn bị, tiết kiệm tiền tiêu Tết từ trước, khoản tiền thưởng Tết có lẽ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cả cái Tết của bạn. Lúc này, đừng vung tay tiêu sạch tiền thưởng Tết. Thay vào đó, hãy tiết kiệm chính số tiền thưởng Tết ấy, để dành làm ngân sách tiêu Tết cho Tết sang năm, hoặc không, cũng coi như là một khoản tiền phòng thân.
Giống như gia đình trong câu chuyện phía trên, dù tiêu Tết tốn hơn 30 triệu, nhưng họ cũng không tiêu hết tiền lương tháng trước Tết và cả tiền thưởng Tết. Lý tưởng nhất vẫn là dùng tiền thưởng Tết để tiết kiệm, nhưng nếu chưa thể làm được việc đó, đừng quên để dành ra 1 khoản để trang trải cuộc sống sau Tết, vì nghỉ Tết xong, kỳ lương tiếp theo vẫn còn cách chúng ta gần 1 tháng.
Nếu tiêu hết cả tiền rồi, 1 tháng ấy, hẳn sẽ có phần khó khăn lắm.
Ngọc Linh