Vào năm 2015, tại một thành phố của tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), một tổ hợp chung cư mới vừa được mở bán. Vào thời điểm đó, khu vực đường xung quanh các khu dân cư rộng rãi, cho phép người dân đỗ xe miễn phí. Thế nên nhiều chủ xe cho rằng không cần phải vội vàng mua chỗ đậu xe trong khu dân cư.
Tuy nhiên, lúc này, một nhà đầu tư đã đưa ra quyết định táo bạo. Cô Vương Linh đã chi hơn 11 triệu NDT (~38,4 tỷ đồng) để mua 192 chỗ đậu xe trong khu dân cư.
Biết chuyện, một người bạn đã ngăn cản Vương Linh. Nhưng cô trả lời tự tin, sau này thiếu bãi đỗ xe sẽ trở thành một vấn đề lớn trong thành phố. Do đó, khoản đầu tư của cô chỉ có thể lãi chứ không lỗ.
Ba năm sau, với sự phát triển nhanh chóng của thành phố, việc đỗ xe bên đường hoàn toàn bị cấm, và lời tiên đoán của Vương Linh đã trở thành sự thật. Các ông chủ của chung cư rơi vào tình thế khó khăn về chỗ đậu xe. Lúc này, Vương Linh bắt đầu rao bán chỗ đậu xe của mình với giá 100.000 tệ (349 triệu) - một mức giá cao gấp đôi so với giá mua ban đầu.
Trước tình huống này, các chủ đầu tư của chung cư không hài lòng. Họ cho rằng Vương Linh đang lợi dụng tình thế kinh doanh khó khăn và yêu cầu cô giảm giá bán chỗ đậu xe. Đối mặt với tranh chấp, một số chủ đầu tư còn đưa Vương Linh ra tòa nhằm bảo vệ lợi ích của mình thông qua các biện pháp pháp lý.
Vụ việc đã gây ra một cuộc chiến pháp lý khốc liệt. Các chủ đầu tư tố Vương Linh đã mua một lúc số lượng lớn chỗ đậu xe, sau đó bán với giá cao. Họ cho rằng hành vi của cô vi phạm nguyên tắc công bằng trong kinh doanh, nên yêu cầu Vương Linh phải bán chỗ đậu xe theo giá gốc mua vào.
Ngược lại, Vương Linh khẳng định khoản đầu tư ban đầu của cô đi kèm với rủi ro lớn. Việc tăng giá chỗ đậu xe là hành vi bình thường của thị trường và cô có quyền bán nó theo giá trị thị trường hiện tại.
"Hành vi của tôi là hoàn toàn hợp pháp. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả được xác định bởi cung và cầu" Vương Linh khẳng định chắc chắn tại toà.
Toà phán quyết thế nào?
Tranh chấp cốt lõi trong vụ án này nằm ở tính pháp lý của giá đậu xe và tính hợp lý trong hành vi bán hàng của Vương Linh.
Theo Điều 135 Bộ luật Dân sự, Vương Linh với tư cách là chủ sở hữu hợp pháp chỗ đỗ xe có quyền định đoạt, sử dụng tài sản. Dù giá có tăng lên đáng kể thì cô cũng không vi phạm pháp luật.
Điều 3 của Luật Giá cũng nêu rõ, trong nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ phải được xác định theo quan hệ cung cầu, trừ khi có biểu hiện về sự độc quyền hoặc gian lận về giá thì pháp luật mới can thiệp. Trong trường hợp này, việc định giá của Vương Linh không vi phạm luật giá cả và không có hành vi gian lận về giá. Bởi mức giá chỗ đậu xe cô đang bán cao gấp đôi so với giá gốc mua vào, nhưng lại bằng với giá của thị trường.
Ngoài ra, Luật chống độc quyền cũng nêu quy định về lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường và ép giá là vi phạm pháp luật. Mặc dù Vương Linh sở hữu số lượng lớn chỗ đậu xe nhưng cô không tạo thành thế độc quyền. Vì giá đậu xe của cô là tương đương so với mức giá trung bình của thị trường, và không có bằng chứng cho thấy cô lạm dụng vị thế của giá để thống lĩnh thị trường.
Cuối cùng, toà đã bác bỏ yêu cầu xét xử của chủ đầu tư về việc Vương Linh cần bán chỗ đậu xe về với giá giá gốc. Thẩm phán cho rằng Vương Linh, với tư cách là chủ sở hữu chỗ đậu xe hợp pháp, có quyền định giá và bán chỗ đậu xe một cách độc lập, đồng thời, hành vi của cô không vi phạm pháp luật. Ngoài ra, toà đề nghị hai bên giải quyết vấn đề thông qua thương lượng, chẳng hạn Vương Linh cân nhắc đưa ra những nhượng bộ nhất định về giá cho chủ đầu tư hoặc cho phép họ mua trả góp.
Theo Toutiao
Nguyệt