Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã sẵn sàng triển khai hệ thống phòng không S-400 của mình ở chế độ chiến đấu chỉ trong vòng 12 giờ. Điều này diễn ra sau một sự thay đổi đáng kể trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể Washington không còn phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa những hệ thống S-400 mua từ Nga vào hoạt động.
S-400 từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi giữa hai quốc gia, trước đó Mỹ đã gạt Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35. Tuy nhiên, vào ngày 26/11, Bulgarian Military đưa tin rằng, Mỹ đã gỡ bỏ sự phản đối của mình đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng S-400.
Vai trò của S-400 đối với Thổ Nhĩ Kỳ
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất đã làm thay đổi đáng kể bối cảnh chiến lược an ninh của nước này. Theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, S-400 không chỉ được coi là tài sản quan trọng giúp tăng cường năng lực phòng không mà còn là biện pháp giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng quốc phòng của NATO, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất.
Hệ thống S-400 dự kiến sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ trước nhiều mối đe dọa trên không, bao gồm máy bay, tên lửa và UAV. Một trong những yếu tố chính khiến hệ thống này được lựa chọn thay vì Patriot là ưu thế về công nghệ và khả năng nhắm mục tiêu tốt hơn.
Khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 400 km của S-400 được coi là một lợi thế quan trọng, vì Thổ Nhĩ Kỳ là nơi giáp ranh với nhiều khu vực xung đột. Các quan chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng, của việc có được một hệ thống cho phép Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ không phận của mình độc lập với quá trình ra quyết định của NATO.
Bốn khẩu đội S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua có tầm quan trọng chiến lược và sẽ được triển khai trên nhiều khu vực khác nhau của đất nước để tạo ra một phạm vi phòng không nhiều lớp. Theo các chuyên gia quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, S-400 có thể sẽ được triển khai dọc theo biên giới phía đông nam với Syria, nơi có nguy cơ cao do xung đột và căng thẳng đang diễn ra.
Ngoài ra, hệ thống này sẽ được bố trí gần các căn cứ quân sự quan trọng và trung tâm đô thị ở phía tây để phòng thủ trước các mối đe dọa trên không tiềm tàng từ Địa Trung Hải và Biển Aegean.
Thất bại trong việc mua Patriot
Việc Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn S-400 thay vì hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất được thúc đẩy bởi một số yếu tố. Một trong những lý do chính là Mỹ không thể giao Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ kịp thời và thỏa đáng.
Bất chấp nhiều vòng đàm phán và yêu cầu từ Ankara, Mỹ vẫn không cung cấp các hệ thống mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là cần thiết để tự vệ trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ Syria và các đối thủ khác trong khu vực.
Năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận với Mỹ để mua hệ thống Patriot, nhưng thỏa thuận này bị đình trệ vì những lý do chính trị, bao gồm những bất đồng về chuyển giao công nghệ, lịch trình triển khai và giá của hệ thống. Điều này khiến Ankara phải tìm kiếm giải pháp thay thế, trong đó S-400 là giải pháp có sẵn và có thể được giao nhanh chóng.
S-400 trong chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ
Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng về sự cần thiết của S-400 đối với chủ quyền và an ninh của đất nước. Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan đã nhấn mạnh rằng thỏa thuận với Nga không chỉ là một quyết định quân sự, mà còn là một động thái chiến lược để thoát khỏi ảnh hưởng của NATO.
Ông lập luận rằng S-400 là một phần thiết yếu trong chiến lược rộng lớn hơn của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đa dạng hóa ngành công nghiệp quốc phòng và tiếp cận các công nghệ quân sự tiên tiến. Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar cũng đồng tình với quan điểm này, tuyên bố rằng S-400 sẽ tăng cường quyền tự chủ chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ và cung cấp các khả năng phòng thủ rất cần thiết mà không cần dựa vào sự chấp thuận hoặc thời hạn của NATO.
Ông cũng chỉ ra rằng khả năng radar tiên tiến của hệ thống sẽ tăng cường đáng kể khả năng thu thập thông tin tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong việc theo dõi và xác định các mối đe dọa từ khoảng cách xa.
Quyết định mua S-400 cũng phản ánh tham vọng lớn hơn của Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng cách tăng cường năng lực phòng không, Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu khẳng định mình là một bên chủ chốt ở Trung Đông, có khả năng bảo vệ không phận của mình và tác động đến cán cân quyền lực khu vực.
Động thái này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong NATO, với một số đồng minh bày tỏ lo ngại về sự liên kết của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và khả năng xảy ra các vấn đề về khả năng tương tác trong liên minh. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định rằng việc mua S-400 không phải là dấu hiệu cho thấy nước này đang chuyển hướng khỏi NATO, mà là nỗ lực bảo đảm nhu cầu quốc phòng của mình trong một khu vực ngày càng bất ổn.
S-400 được sử dụng như nào?
S-400 sẽ hoạt động song song với các hệ thống khác, chẳng hạn như HISAR do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và các hệ thống phòng không NATO hiện có, để tạo ra một mạng lưới phòng thủ nhiều lớp. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng Thổ Nhĩ Kỳ có một thế trận phòng thủ mạnh mẽ và linh hoạt có khả năng giải quyết nhiều mối đe dọa trên không.
Về mặt triển khai hoạt động, Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ tích hợp S-400 vào mạng lưới phòng không hiện có. Tuy nhiên, S-400 có thể sẽ hoạt động độc lập ở những khu vực mà các hệ thống NATO không có, đặc biệt là ở phía đông và đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái rõ rệt hơn.
Quyết định triển khai S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ có tác động đáng kể đến NATO và các chiến lược phòng không của khối này trong khu vực. Trong khi một số thành viên NATO nêu lên mối lo ngại về khả năng tương thích của S-400 với các hệ thống NATO khác.
Quang Hưng