Kiểm tra ô tô trước khi khởi hành
Việc kiểm tra xe trước khi di chuyển rất quan trọng. Trước khi khởi hành, chủ phương tiện cần kiểm tra ô tô của mình một cách kỹ lưỡng để đảm bảo các bộ phận trên xe vẫn hoạt động tốt như: Hệ thống điện, điều hoà, còi, hệ thống đèn, hệ thống phanh, lốp xe, cần gạt nước…
Chuẩn bị sẵn một số vật dụng sửa chữa xe
Trong dịp Tết, thường những cơ sở sửa chữa ô tô sẽ đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Chính vì thế, sẽ rất khó cho gia đình nào lái xe đi chơi Tết gặp sự cố liên quan đến phụ tùng, thiết bị...
Vậy nên, hãy trang bị cho mình những kĩ năng cơ bản và các vật dụng cần thiết để tự sửa chữa ô tô tại chỗ trong trường hợp không thể tìm được nơi sửa xe. Chủ xe có thể chuẩn bị thêm một số thiết bị sửa chữa xe và học kỹ năng như thay lốp, kích ắc quy để có thể xử lý kịp thời nếu xảy ra sự cố.
Lên lộ trình thích hợp
Chọn lộ trình thích hợp là điều rất quan trọng, sẽ có nhiều tuyến đường để đi mà không nhất thiết phải đi vào trục đường chính. Bạn có thể tham khảo thông tin trên radio hoặc sử dụng ứng dụng Google map để cập nhật, kiểm tra tình trạng ùn tắc liên tục nhằm lựa chọn cung đường hợp lý nhất trước khi xuất phát.
Cân nhắc thời điểm xuất phát
Vào dịp nghỉ Tết các phương tiệp rất đông, do đó, các gia đình nên lựa chọn thời điểm thích hợp để xuất phát. Thông thường, thời điểm nhiều người tranh thủ về quê đó có thể là buổi chiều, tối của ngày làm việc cuối cùng hoặc buổi sáng của ngày nghỉ đầu tiên. Lúc này, lượng phương tiện ô tô, xe máy sẽ quá tải tại các cửa ngõ của thành phố.
Nhiều người đã lên kế hoạch tránh giờ cao điểm, thường xuyên xem tin tức trên báo đài để phán đoán và chọn giờ khởi hành. Nhiều chủ xe cũng đưa ra lời khuyên khi giờ xuất phát phải đi thật sớm, tức rạng sáng hoặc tối muộn.
Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ xe
Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết, gồm giấy đăng ký phương tiện, giấy phép lái xe, giấy đăng kiểm, bảo hiểm và giấy tờ cá nhân. Trường hợp vi phạm an toàn giao thông, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ sẽ kiểm tra giấy tờ xe.
Đổ đầy xăng trước khi di chuyển
Vào thời điểm cận Tết, việc đổ xăng cũng khá gian nan khi mà lượng phương tiện đông khiến bạn đôi khi phải xếp hàng chờ khá lâu.
Vậy nên, nếu được hãy chủ động đổ xăng trước ngày về quê, đi chơi Tết để tránh việc phải chờ đợi.
Luôn giữ tỉnh táo và làm chủ tốc độ
Nếu di chuyển hành trình dài, người lái nên chọn điểm dừng để nghỉ ngơi hợp lý. Điều này sẽ giúp người điều khiển xe duy trì sự tỉnh táo trong suốt chặng đường. Ngoài ra, người lái cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho chuyến đi xa. Đặc biệt, đường phố dịp Tết đông đúc hơn bình thường, dễ xảy ra va chạm nếu không chú ý kĩ. Vì vậy, các chủ phương tiện cần tập trung lái xe, kiểm soát tốc độ để xử lý linh hoạt trong các tình huống.
Những tình huống bất ngờ khi lái xe thường bắt nguồn từ việc mất tập trung. Chính vì vậy, để giữ an toàn, chủ phương tiện cần nâng cao cảnh giác, không sử dụng điện thoại, các chất kích thích hoặc để tâm trạng ảnh hưởng đến việc điều khiển xe. Ngoài ra, sức khoẻ tốt cũng là yếu tố góp phần đảm bảo an toàn khi lái xe.
Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước
Việc giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước sẽ giúp người lái xe có đủ thời gian để xử lý những tình huống bất ngờ, hạn chế xảy ra va chạm với các phương tiện xung quanh. Theo Điều 11 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, khoảng cách an toàn giữa các xe cơ giới khi tham gia giao thông được quy định như sau:
Khi điều khiển xe chạy với tốc độ dưới 60 km/h, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông.
Không lấn đường
Khi chạy đường trường, những trường hợp lấn đường thường rất phổ biến, nhất là thời điểm Tết, nhiều người vội vã về quê. Tuy nhiên, việc lấn đường không chỉ vi phạm giao thông mà đây còn là hành động khá nguy hiểm. Chính vì thế, tốt nhất các bạn hãy chủ động nhường đường trước trong những trường hợp cần thiết để tránh những va chạm đáng tiếc.
Thắt dây an toàn
Thắt dây an toàn luôn là quy tắc số 1, nhưng nhiều người vẫn luôn thờ ơ với việc này, đặc biệt là khi ngồi ở hàng ghế sau. Không đeo dây an toàn sẽ dẫn tới khả năng chấn thương trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Không lái xe sau khi uống bia rượu
Đây là một trong những kinh nghiệm lái xe an toàn mà chúng ta được nghe hàng ngày nhưng việc thực hiện thì không dễ dàng chút nào. Hãy hạn chế thức uống có nồng độ cồn cao vì sức khỏe và sự an toàn của bản thân và gia đình chúng ta.
Đặc biệt, trong dịp Tết, chúng ta thường sẽ có những buổi tiệc tùng. Vậy nên, cần phải thông báo trước cho gia đình mà bạn ghé thăm về việc thành viên nào sẽ đảm nhận việc lái xe để họ có sự sắp xếp thức uống phù hợp.
Lưu ý khi lái xe buổi tối
Khi chạy xe vào buổi tối, ánh sáng sẽ bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến tầm quan sát của người lái. Chính vì vậy, người điều khiển cần tập trung lái xe, giảm tốc độ, chú ý quan sát gương chiếu hậu và đi đúng làn đường. Ngoài ra, nếu có xe phía trước bật đèn pha thì không nên vượt mà hãy hạn chế tốc độ và không nhìn vào hướng của đèn xe đối diện.
Lời khuyên về tâm lý trong trường hợp khẩn cấp
Tình huống hoặc tình thế khẩn cấp có thể đến với tất cả mọi người, những bác tài lâu năm, những chiếc xe đã được chuẩn bị tốt vẫn có thể gặp các sự cố nguy hiểm trên đường bất kỳ lúc nào.
Vì vậy, đừng quá lo lắng, hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động và mục tiêu trên hết là giữ cho hành khách trên xe và bản thân mình luôn được an toàn nhất có thể.
Hãy chắc chắn rằng bạn có kiến thức cơ bản về quy trình xử lý các tình huống khi gặp tai nạn. Bật đèn cảnh báo khẩn cấp, tắt động cơ và kiểm tra tình trạng của bạn cũng như các hành khách khác trên xe.
Đồng thời kiểm tra kỹ khu vực xung quanh trước khi ra khỏi xe và di chuyển phương tiện đến nơi an toàn hơn nếu có thể. Đồng thời, đặt biển cảnh báo hoặc các vật dụng khác để gây chú ý cho những xe đang đến gần, sau đó mới điện thoại cho cứu hộ hoặc tìm sự trợ giúp.
Nguyễn Luận (Tổng hợp)