Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ về dự thảo Nghị định mức thu lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước, Thủ tướng đã có cuộc họp với các Phó thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành có liên quan. Thường trực Chính phủ đã thống nhất sẽ giảm một nửa thời gian áp dụng chương trình, chỉ kéo dài trong 3 tháng thay vì 6 tháng như trong các đợt áp dụng hỗ trợ trước đó, đồng thời giao Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện nội dung tiếp thu giải trình ý kiến, dự thảo nghị định để báo cáo chính phủ, trình ký ban hành trước ngày 18/8.
Về phía Văn phòng Chính phủ, đơn vị này cũng được giao khẩn trương xin ý kiến thành viên của Chính phủ về nghị định. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp, khả thi, hiệu quả nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng xe điện tại Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2024.
Bộ Xây dựng cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan để rà soát các quy định pháp luật. Từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn kịp thời các vướng mắc phát sinh liên quan tới lắp đặt trạm/trụ sạc điện cho các phương tiện giao thông tại các cửa hàng xăng dầu. Việc này được giao báo cáo các cấp có thẩm quyền trong tháng 8/2024.
Trước đó, tại hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định hôm 11/7, Bộ Tài chính vẫn hoàn thiện chính sách giảm 50% phí trước bạ với xe trong nước. Tuy nhiên, Bộ này đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương rà soát, đưa ra phương án để ứng phó trong trường hợp Việt Nam có thể bị khởi kiện. Bộ này ước tính, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 5.200 tỷ đồng khi tiếp tục chính sách này.
Ba lần trước đó, người mua ô tô đã được giảm 50% lệ phí trước bạ, gồm lần 1 là Nghị định số 70/2020 có hiệu lực từ ngày 28/6/2020 đến 31/12/2020, lần 2 là Nghị định số 103/2022 có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022, lần 3 là Nghị định số 41/2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023.
Ở những lần áp dụng đầu tiên, chính sách ưu đãi giảm lệ phí trước bạ đã có những hiệu ứng tích cực đối với việc kích cầu thị trường ô tô trong nước. Mặc dù vậy, ở những lần thứ 2 và thứ 3, theo các chuyên gia đã không còn thực sự phát huy được vai trò này.
Năm 2022 là năm đầu kinh tế phục hồi mạnh sau khi gỡ bỏ giãn cách. Thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt hơn 500.000 chiếc, xô đổ mọi kỷ lục từng thiết lập.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, dựa trên báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp ô tô lớn trong nước, doanh số bán xe có cải thiện hơn nhưng tính chung cả năm vẫn chật vật.
Chuyên gia phân tích Chứng khoán SSI cho rằng bất chấp các biện pháp hỗ trợ kích cầu từ cả Chính phủ và các đại lý phân phối, doanh số bán hàng vẫn thấp do người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn mua ô tô trong thời điểm kinh tế khó khăn. Theo SSI tính toán, doanh số bán ô tô và xe máy mới trong năm 2023 có sự sụt giảm lần lượt 25% và 17% so với cùng kỳ.
Anh Nguyễn (tổng hợp)