"Phơi ốc vít"
Ít ngày tới, Airshow China 2024 - một trong những cuộc triển lãm hàng không lớn nhất hành tinh sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Chu Hải của Trung Quốc.
Dự kiến sẽ có hơn 1.000 khách từ 47 quốc gia sẽ đến tham quan triển lãm và không ngoại trừ trong số họ có những người đến từ một số nước thành viên NATO.
Và hiện tôi (Roman Skomorokhov) đã có thể tự tin tuyên bố rằng tâm điểm của triển lãm đó là tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga.
Mọi chuyện bắt đầu bằng việc chiếc Su-57 đầu tiên đã tới Chu Hải bằng chính sức mình. Hành động này lập tức gợi ý rằng năng lực của chiếc tiêm kích thế hệ 5 không chỉ giới hạn ở trên giấy.
Và khi chiếc thứ hai cùng đội bay "Russian Knights/Hiệp sĩ Nga" được vận tải cơ đưa đến, mọi thứ trở nên hoàn toàn rõ ràng và đó là việc Su-57 sẽ bay trình diễn trong triển lãm.
Bỗng nhiên khi tin tức về việc khách tham quan được tiếp cận chiếc tiêm kích ở khoảng cách gần, nhiều người đã tỏ ra lo lắng. Tại sao người Trung Quốc không cho phép tiếp cận tiêm kích J-20 của họ ở tầm gần mà người Nga lại cho phép? Chuyện gì đang xảy ra?
Với tâm trạng phấn kích, tôi đã thử tìm kiếm và phát hiện được bài viết phân tích về sự kiện này trên... tờ Defense Express của Ukraine.
Như chúng ta đã thấy, Nga đã không hạn chế nghiêm ngặt việc tiếp cận máy bay và khách tham quan có thể kiểm tra nó từ mọi góc nhìn.
Và dĩ nhiên từ những thông tin công khai này, các cây viết Ukraine đã đưa ra bình luận rằng Su-57 của Nga "là bằng chứng cho thấy tất cả công nghệ sản xuất máy bay của họ vẫn đang dừng lại ở thế kỷ 20...".
Vâng, ý của họ là nếu bạn đang sở hữu một chiếc tiêm kích hàng đầu thế giới, nó phải được giấu kín như... F-22 của Mỹ, một chiếc tiêm kích thực sự vô hình vì không ai từng nhìn thấy nó hoạt động. Và nếu không thì thứ bạn có chẳng là gì cả.
Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng đi sâu vào lập luận của người Ukraine để khẳng định điều đó.
Đầu tiên họ đề cập tới lượng lớn ốc vít trên các tấm vỏ máy bay và cho rằng những thứ này không tốt về khí động học và nó không tương xứng với định nghĩa về máy bay "tàng hình" (giảm khả năng phản xạ tín hiệu radar đối phương thường bằng vật liệu phủ bên ngoài vỏ).
Thứ hai, người Ukraine chỉ vào thiết kế của các nút bấm trong buồng lái Su-57, nhưng nói chung đây là điều nhỏ nhặt so với ốc vít.
Cuối cùng, họ chỉ ra một thứ "kinh dị" trên Su-57 đó chính là các cửa hút gió.
Hóa ra khi đem ra so sánh trực quan thì cửa hút gió của 2 chiếc Su-57 ở Chu Hải không có điểm chung, tức là cái này hình thang, cái khác thì có hình lục giác...
Nói chung các cây viết Ukraine của Defense Express (và những phương tiện truyền thông dẫn lại bài viết của họ) đang cười rôm rả.
"Chiêu trò"
Nhưng vấn đề là chính những người tổ chức triển lãm, tức là phía Trung Quốc lại đang tiếp cận vấn đề theo cách khác.
Hóa ra người hàng xóm của Nga nhanh chóng nhận ra rằng đây không phải những chiếc tiêm kích thực sự mà chỉ là các nguyên mẫu - thậm chí chúng không đáng được gọi là Su-57 mà phải là T-50.
Cụ thể chiếc xuất hiện đầu tiên là T-50-4, nguyên mẫu thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2012 và chiếc thứ hai là T-50-6 bắt đầu cất cánh từ năm 2016.
Không cần phải là chuyên gia hàng không, bất kỳ ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng nguyên mẫu năm 2012 không phải là tiêm kích sản xuất nối tiếp vào năm 2024. Khác biệt này giống như khác biệt giữa sông Hoàng Hà (Trung Quốc) và sông Volga (Nga).
Nói chung, chúng ta (Nga) đã có một chút chiêu trò. Những chiếc "Su-57" được gửi tới Trung Quốc là thứ mà Nga sẵn lòng cho khách tham quan xem hoặc thậm chí là lái chúng.
Các cây viết của tờ Sohu (Trung Quốc) đưa ra nhận định rằng với Nga, việc tham gia Airshow China 2024 là cơ hội tuyệt vời để quảng cáo và thậm chí có thể tìm được người mua Su-57. Nhưng họ cũng không quên nhấn mạnh rằng đây là một nguyên mẫu đã 12 năm tuổi:
"Chiếc Su-57 tham gia triển lãm thật phi thường... Nga không chỉ muốn thu hút khách hàng mà còn ngăn việc bí mật quân sự bị rò rỉ sang Trung Quốc… đơn giản là họ đã dùng một thủ thuật nhỏ".
Và có vẻ như gần như tất cả mọi người (có lẽ ngoại trừ một số) đều nhận ra vấn đề. Nga không muốn phơi bày trước công chúng (bao gồm các chuyên gia và gián điệp từ các nước NATO) chiếc tiêm kích hiện đại nhất mà họ có.
Đương nhiên nguyên mẫu T-50-4 hay T-50-6 sẽ thiếu hụt gần như tất cả các giải pháp đã được bổ sung trên Su-57 của VKS (Không quân Vũ trụ Nga) nhưng những gì đã có cũng đủ để các khách hàng đưa ra kết luận sơ bộ phù hợp.
Những gì còn lại có thể được các chuyên gia Nga giải thích ở hậu trường. Tôi có thể ví dụ như bên trong một cuộc thưởng trà sang trọng kiểu Trung Quốc.
Nói tóm lại, người Trung Quốc cho rằng nếu xét về một số thông số thì cỗ máy mà Nga mang đến sẽ tệ hơn những chiếc Su-57 đang tham gia SMO (Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine).
Điều này cũng khá hợp lý vì thông lệ trên thế giới cho thấy máy bay được sản xuất để xuất khẩu luôn thua kém về mặt nào đó so với máy bay được sản xuất dành cho lực lượng không quân.
Nhân tiện thì theo tờ China-Arms của Trung Quốc, khách hàng hứa hẹn nhất của Su-57 vẫn là... Ấn Độ. Lý do là vì trong lúc người Trung Quốc có J-20 và J-35 thì Không quân Ấn Độ không có thứ gì tương tự.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, Ấn Độ “chỉ còn một bước nữa là mua được tiêm kích thế hệ 5 của Nga”.
Tất nhiên khi đó thì những người Trung Quốc thực dụng cũng có thể sẽ cung cấp cho Pakistan những chiếc J-35 của họ. Và không sớm thì muộn câu hỏi có hay không việc Ấn Độ sở hữu Su-57E và Pakistan sở hữu J-35 sẽ chuyển thành "khi nào thì chúng gặp nhau".
Hoài Giang