1 thói quen nguy hại cho sức khỏe mà nhiều người vẫn thản nhiên thực hiện
Chuyên gia dinh dưỡng Xu Qiongyue (Trung Quốc) chia sẻ, một phụ nữ 20 tuổi mắc bệnh ung thư đại trực tràng đã đến tư vấn. Sau khi hỏi về tiền sử cuộc đời, cô phát hiện ra rằng gia đình người phụ nữ này thường ăn đồ nướng ba lần mỗi tuần.
Họ thường nướng đồ ăn bằng than. Nhiều khi, họ vẫn sử dụng những phần thức ăn bị cháy xém. Điều này được chuyên gia đánh giá là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh ung thư ruột của cô gái này. Chưa kể, mẹ của cô gái cũng mắc bệnh ung thư biểu mô tuyến phổi. Chuyên gia cho rằng, không chỉ từ thói quen ăn uống mà mẹ của cô cũng hít quá nhiều khói than bốc lên, chứa các chất gây ung thư phổi, trong quá trình nướng đồ ăn.
Ban đầu, đôi mẹ con này không nghĩ nguyên nhân đến từ thói quen ăn uống của mình. Họ tưởng rằng đây là yếu tố di truyền khi cả hai mẹ con cùng mắc bệnh, trong khi con gái cũng mắc bệnh quá sớm.
Chuyên gia Xu Qiongyue khuyến cáo mọi người không nên ăn thực phẩm khi bị cháy. Đồng thời, khi thực phẩm được nướng ở nhiệt độ cao trực tiếp trên than sẽ rất dễ sinh ra lửa và khói. Đây chính là tác nhân sản sinh ra amin dị vòng và các hydrocacbon thơm đa vòng trong đồ nướng. Những chất này có khả năng gây đột biến gen và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh được rằng việc nướng thực phẩm trên than sẽ khiến cho mỡ nhỏ giọt xuống than và có hiện tượng bốc cháy tạo ra phân tử hydrocarbure thơm đa vòng. Nếu đi vào cơ thể, phân tử này sẽ đến gan và tạo thành chất độc. Theo thời gian, chất độc ấy tích tụ tại ruột và gây ra ung thư. Không những thế, nướng than còn tạo ra nhiều khí CO, khi hít phải sẽ rất độc cho sức khỏe.
7 nguyên tắc giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng chống ung thư tốt hơn
1. Hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhiều tinh bột tinh chế
Việc hạn chế các sản phẩm tinh bột tinh chế và thực phẩm qua chế biến giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, đồng thời kiểm soát cân nặng nhờ ít chất béo và năng lượng. Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều chất béo, muối và đường, trong khi quá trình chế biến có thể phá hủy nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Thay vào đó, chế độ ăn chủ yếu dựa vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật, bao gồm rau củ, đậu, khoai, và các loại hạt, là lựa chọn lý tưởng hơn.
2. Bổ sung rau tươi và trái cây hàng ngày
Các chuyên gia khuyến nghị nên tiêu thụ từ 400-800g rau quả mỗi ngày. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chế độ ăn giàu rau củ có thể giảm đến 20% nguy cơ mắc ung thư. Những loại rau có giá trị dinh dưỡng cao như cải xanh, cà rốt, cà chua, và chanh có thể tăng cường bảo vệ sức khỏe nhờ các vitamin, chất xơ và khoáng chất.
3. Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ
Lượng thịt đỏ hàng ngày nên được giữ ở mức dưới 80g. Việc thay thế thịt đỏ bằng cá, thịt gia cầm hoặc chim là lựa chọn tốt hơn, khi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc ăn nhiều thịt đỏ với nguy cơ ung thư đại tràng và ung thư vú.
4. Duy trì cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất thường xuyên
Việc kiểm soát cân nặng với chỉ số BMI từ 18,5 đến 23, cùng với duy trì lối sống năng động, có thể giảm thiểu nguy cơ ung thư. Những hoạt động thể chất như đi bộ nhanh, tập thể dục, hoặc đạp xe ít nhất 1 giờ mỗi ngày rất có lợi cho sức khỏe.
5. Nói không với rượu bia
Nguy cơ ung thư tăng cao khi sử dụng nhiều bia rượu đã là điều mà mọi người đều biết. Vì thế, hãy nói không với rượu bia để đảm bảo sức khỏe lâu dài.
6. Chọn thực phẩm ít chất béo và ít muối
Sử dụng các sản phẩm ít béo từ động vật như sữa gầy, thịt nạc, và tránh thực phẩm qua chế biến chứa nhiều muối có thể giảm thiểu nguy cơ béo phì và ung thư.
7. Chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách
Bảo quản thực phẩm tươi sống trong điều kiện lạnh và không sử dụng các loại thực phẩm bị mốc là cách phòng tránh nguy cơ gây ung thư. Nên tránh ăn nhiều thực phẩm rán hoặc nướng ở nhiệt độ cao, bởi các chất sinh ra từ quá trình này có thể gây hại cho sức khỏe.
Thực hiện những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ ung thư, bảo vệ sức khỏe lâu dài.
*Nguồn: Aboluowang, tổng hợp…
Phương Thùy