Bài viết dưới đây là chia sẻ của cô Phương (Trung Quốc), đăng tải trên trang Sohu.
Hồi học cấp hai, tôi sống trong khu tập thể dành cho cán bộ công nhân viên đường sắt. Hầu như mọi người trong khu đều làm việc trong ngành đường sắt nên khá thân thiết với nhau. Trong đó, tôi biết được câu chuyện của cậu bạn hàng xóm.
Cô hứa hẹn nhiều điều
Gia đình cậu ấy có 3 người. Họ sống khá sung túc. Điều đáng ngưỡng mộ nhất là họ có một người cô giàu có. Mặc dù họ không thường xuyên gặp nhau, nhưng mỗi lần đến thăm, cô ấy đều mang theo rất nhiều đồ ăn ngon, đồ chơi đẹp và mua quần áo mới cho cháu trai, thậm chí còn tốt hơn cả con ruột của mình.
Có lần, cậu con trai bị bố mắng vì điểm kém, tiếng la hét vang khắp cả khu. Ai cũng nghĩ chuyện chỉ dừng lại ở đó, nhưng không ngờ hôm sau, cô của cậu ấy đã đến. Cô ấy mặc một bộ đồ đắt tiền, tay xách túi lớn, vẻ mặt nghiêm nghị bước vào. Vừa vào cửa, cô đã mắng bố cậu bé: "Anh làm bố kiểu gì vậy? Con thi không tốt thì anh đánh nó như thế à? Anh có muốn nuôi con không? Nếu không thì để tôi nuôi, tôi coi nó như con ruột!".
Bố cậu bé đỏ mặt tía tai, lắp bắp không biết trả lời thế nào. Mẹ cậu bé cũng ở bên cạnh khuyên can, nói rằng con đã biết lỗi và sẽ cố gắng hơn. Trước khi rời đi, cô rút ra 200 NDT đưa cho cháu trai: "Số tiền này con cầm lấy, muốn mua gì thì mua." Thời đó, lương một tháng của cả gia đình cũng chỉ 600 NDT.
Cậu bé cảm động đến rơi nước mắt, liên tục cảm ơn. Từ đó về sau, cậu ấy đối xử với cô không khác gì mẹ ruột, mỗi lần cô đến đều quấn quýt bên cạnh. Có lần, cô còn nói chuyện với mọi người trong khu tập thể của chúng tôi: "Sau khi tôi qua đời, mọi thứ trong nhà tôi đều là của nó. Đứa trẻ này sau này nhất định sẽ thành đạt, tôi phải nuôi dạy nó cho tốt." Mọi người nghe vậy đều vô cùng ngưỡng mộ.
Có một lần dịp Tết, tôi tận mắt chứng kiến gia đình hàng xóm dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, mua rất nhiều đồ ăn ngon và đồ chơi để đón cô đến. Hôm đó, khi cô đến, gia đình họ trở nên vô cùng náo nhiệt, tiếng cười nói rộn ràng. Tôi nghe thấy bố cậu bé nói với cô: "Em gái à, em đối xử với gia đình anh quá tốt. Chúng tôi không biết phải báo đáp thế nào." Đối phương chỉ đáp: "Đều là người một nhà, nói gì đến báo đáp. Em chỉ mong cháu trai sau này thành đạt là mãn nguyện rồi."
Cô còn nói thêm mình đã cất giữ tất cả những thứ có giá trị như nhẫn vàng, tiền mặt để mua nhà cho cháu trai. Kể từ đó mười mấy năm trôi qua, gia đình họ đối xử với cô càng tốt hơn. Cứ cách vài hôm, họ lại gửi đồ ăn tới.
Cái kết ngoài sức tưởng tượng
Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Đến khi tôi học đại học, năm thứ hai trở về nhà, tôi nhận thấy không khí trong gia đình hàng xóm có gì đó khác lạ. Bố tôi kể: “Cô đó đã mất năm ngoái, nhà hàng xóm tổ chức tang lễ rất long trọng, tốn kém không ít tiền."
Bố tôi nói thêm: "Người đó giàu có gì chứ! Toàn là bề nổi thôi! Trước khi mất, cô ấy nói cho họ biết thẻ ngân hàng ở đâu, mật khẩu là bao nhiêu. Xong việc, mọi người đến ngân hàng kiểm tra, chỉ có 80 NDT (khoảng 280.000 đồng)!"
Tôi không thể tin vào tai mình, làm sao có thể như vậy được? Cô ấy không phải là khá giả sao? Sao lại chỉ còn 80 NDT?
Bố tôi thở dài: "Cô ta nghiện cờ bạc online từ mười mấy năm trước rồi. Gia sản đã tiêu tán hết. Sau đó không còn cách nào khác, cô ấy đành phải đi làm phục vụ để kiếm sống. Số tiền kiếm được, cô ấy lại nướng hết vào cờ bạc. Mười mấy năm ăn sung mặc sướng, cuối cùng chỉ đổi lại được 80 NDT."
Nghe xong, lòng tôi rối bời, không biết nên nói gì. Hóa ra, lòng người khó đoán, đằng sau vẻ hào nhoáng bên ngoài, cũng có thể ẩn chứa những bí mật không ai biết. Tình thân chân chính nên được xây dựng trên nền tảng của sự chân thành và tin tưởng, chứ không phải sự trao đổi tiền bạc và lợi ích.
Thùy Anh (Theo Sohu)