Liên quan đến diễn biến của cơn bão số 3- bão Yagi, theo báo Người lao động, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết sau khi vào Biển Đông sáng 3/9, tính đến 17h cùng ngày, cường độ bão số 3 đã mạnh cấp 10, tăng 2 cấp so với buổi sáng.
Theo nhận định, có khả năng khi cơn bão số 3 di chuyển sâu vào trong Biển Đông thì bão tiếp tục tăng cấp và có khả năng mạnh cực đại là cấp 14, giật cấp 17 trên khu vực phía Bắc của Bắc Biển Đông và Trung tâm dự báo đã đưa ra cảnh báo trên các vùng biển này là ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Ông Tuấn cho rằng, cơn bão số 3 có 3 đặc điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, bão số 3 liên tục tăng cấp khi vào Biển Đông tính từ thời điểm bão vào Biển Đông cho đến khi đạt cấp cực đại là bão tăng 6 cấp (từ cấp 8 lên tới cấp 14). Thứ 2, phạm vi gió mạnh trong bão rộng và tăng theo mức độ tăng cấp của cơn bão - thể hiện rõ nhất là vùng nguy hiểm do bão gây ra mở rộng theo hướng di chuyển của bão.
Đặc điểm thứ ba đặc biệt phải lưu ý là các ổ mây dông mạnh có khả năng xuất hiện trước khi ảnh hưởng của cơn bão. Những ổ mây dông này có khả năng gây ra lốc, xoáy và gió giật mạnh trên biển.
Ông Vũ Anh Tuấn cho biết từ nay đến khoảng sáng 6/9, bão sẽ ổn định di chuyển theo hướng Tây với tốc độ di chuyển trung bình khoảng 10-15 km/giờ.
Từ chiều 6/9, có 2 kịch bản xảy ra với bão số 3.
Kịch bản thứ nhất, bão số 3 có khả năng di chuyển lên phía Bắc, ở khu vực Bắc của đảo Hải Nam (Trung Quốc) và di chuyển vào khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ vào khoảng từ đêm 6/9 đến rạng sáng 7/9.
Kịch bản thứ hai, cũng có khả năng xảy ra, là khi buổi chiều 6/9, bão số 3 đổi hướng về phía Tây Nam và đi vòng về phía Nam của đảo Hải Nam và đi vào vùng biển phía Nam của Vịnh Bắc Bộ. Như vậy, điểm đổ bộ của bão số 3 sẽ khác đi.
Theo ông Tuấn, cả 2 kịch bản trên, cơn bão số 3- bão Yagi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển của Việt Nam.
Theo báo Thanh Niên, ông Tuấn cũng nhận định thêm, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, ngoài gió mạnh, bão sẽ gây ra sóng biển cao 7 - 9 m, ảnh hưởng trực tiếp đến tàu thuyền hoạt động trên biển. Thậm chí, bão có thể đánh chìm những thuyền có tải trọng lớn.
"Khi bão đổ bộ vào đất liền, hoàn lưu của bão sẽ rộng, dọc theo các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Nếu nó đi theo kịch bản 1 sẽ gây mưa lớn ở miền Bắc còn theo kịch bản 2, vùng mưa lớn sẽ mở rộng ra từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế. Mưa lớn sẽ gây ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở đô thị", ông Tuấn nhấn mạnh.
Hồi 16 giờ ngày 3/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 15 km/giờ.
Bình luận tiêu biểu (0)