Theo Bulgarian Military, nhà phân tích địa chính trị người Mỹ Brandon J. Weichert lập luận rằng, quyết định liên tục tài trợ cho việc nâng cấp tàu khu trục lớp Zumwalt của Lầu Năm Góc là một sai lầm. Ông tuyên bố, "Việc nâng cấp Zumwalt đã tốn hơn 22 tỷ USD, với số tiền tài trợ đó, Mỹ có thể đã xây dựng được một hạm đội tàu ngầm tấn công lớp Seawolf đáng gờm".
Weichert cho biết thêm rằng, "Bây giờ, Hải quân Mỹ đang mắc kẹt với những chi phí phát sinh và gặp phải nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có vẻ như họ vẫn đang cố tăng gấp đôi những gì mà nhiều người coi là thất bại".
Những chỉ trích về chương trình Zumwalt
Weichert không phải là người duy nhất có mối quan ngại này. Một số chính trị gia Mỹ cũng bày tỏ quan điểm tương tự, họ chỉ trích việc tiếp tục tài trợ cho tàu khu trục lớp Zumwalt, trong bối cảnh chi phí ngày càng đội lên và khả năng thực sự của lớp tàu chiến này.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã liên tục đặt câu hỏi về giá trị của chương trình Zumwalt. Bà Warren được biết đến với sự chặt chẽ trong việc xem xét chi tiêu quân sự, bà nhấn mạnh rằng, giá của của mỗi tàu Zumwalt là khoảng 8 tỷ USD, vượt xa giá của các tàu khu trục khác như lớp Arleigh Burke, chỉ khoảng 2 tỷ USD cho mỗi tàu.
Tương tự như vậy, Đại biểu Adam Smith, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cũng đã lên tiếng phản đối chương trình này. Ông đã mô tả Zumwalt là "một ví dụ điển hình về một chương trình thất bại", nhấn mạnh rằng Zumwalt không đạt được các mục tiêu đề ra và chi phí tăng vọt vượt xa các dự đoán ban đầu.
Những lời chỉ trích này cho thấy sự thất vọng sâu sắc trong Quốc hội về chương trình mua sắm của Hải quân Mỹ. Một số nhà lập pháp khác đã đưa ra giải pháp công nghệ đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí hơn, đó là tàu ngầm Seawolf.
Lớp tàu ngầm này có khả năng tàng hình, rất phù hợp trong chiến tranh hải quân ngày nay, đặc biệt là chống lại các đối thủ ngang hàng như Nga và Trung Quốc. Lớp Seawolf được đánh giá là yên tĩnh hơn đáng kể và có khả năng hơn so với tàu khu trục lớp Zumwalt, nó rất thích hợp trong các hoạt động chống tàu ngầm và biển sâu.
Quan điểm của các nhà lập pháp Mỹ nhấn mạnh tới khả năng tàng hình và hiệu quả chiến đấu của tàu ngầm Seawolf, họ xem đây là khoản đầu tư mang tính chiến lược hơn so với chương trình Zumwalt gây tranh cãi.
Cuộc cạnh tranh giữa Zumwalt và Seawolf
Kế hoạch ban đầu của chương trình Zumwalt là khá tham vọng. Hải quân Mỹ đặt mục tiêu đóng 32 tàu để hiện đại hóa hạm đội, những con tàu này được giới thiệu là có khả năng tàng hình tiên tiến và tính linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ.
Zumwalt được lên ý tưởng vào đầu những năm 1990, thời điểm Mỹ đang là cường quốc thống trị toàn cầu. Khi đó Hải quân Mỹ chỉ tập trung vào các cuộc xung đột tiềm tàng có thể nổ ra với các quốc gia thù địch và yêu cầu đối với tàu chiến là có khả năng tấn công chính xác từ biển.
Ban đầu, những con tàu tiên tiến này được lên kế hoạch đến Thái Bình Dương, để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ các cường quốc mới nổi như Trung Quốc. Khả năng tàng hình và chiến đấu của chúng là chìa khóa để duy trì sự thống trị của Hải quân Mỹ trong khu vực tranh chấp gay gắt này.
Tuy nhiên, chi phí tăng vọt và mục tiêu chiến lược thay đổi đã dẫn đến việc thu hẹp đáng kể chương trình Zumwalt. Thay vì mục tiêu 32 tàu như dự kiến ban đầu, thì chỉ có ba tàu khu trục lớp Zumwalt trở thành hiện thực gồm: USS Zumwalt (DDG-1000), USS Michael Monsoor (DDG-1001) và USS Lyndon B. Johnson (DDG-1002). Những tàu này hiện neo đậu chủ yếu tại Căn cứ Hải quân San Diego và chỉ thực hiện các vai trò rất hạn chế.
Trong bối cảnh đó, tàu ngầm lớp Seawolf lại không thu hút được sự chú ý như tàu khu trục lớp Zumwalt. Được lên ý tưởng trong Chiến tranh Lạnh, chương trình tàu ngầm lớp Seawolf nhằm mục đích cung cấp một loại tàu ngầm tấn công tiên tiến mới cho Hải quân Mỹ.
Ban đầu, kế hoạch là sản xuất 29 chiếc tàu ngầm hiện đại này, được thiết kế để có khả năng tàng hình và tấn công mạnh mẽ, đặc biệt là trong các cuộc chạm trán dưới đại dương sâu với tàu ngầm Liên Xô.
Tuy nhiên, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và những hạn chế về ngân sách đã buộc chương trình tàu ngầm lớp Seawolf phải cắt giảm đáng kể. Cuối cùng, chỉ có ba tàu ngầm lớp Seawolf được chế tạo gồm: USS Seawolf (SSN-21), USS Connecticut (SSN-22) và USS Jimmy Carter (SSN-23).
Hiện tại không có kế hoạch nào nhằm chế tạo thêm tàu ngầm lớp Seawolf. Chương trình đã bị hoãn lại do chi phí cao và sự thay đổi trong các ưu tiên chiến lược sau Chiến tranh Lạnh. Thay vào đó, Hải quân Mỹ đang tập trung vào tàu ngầm lớp Virginia, loại tàu có giá cả phải chăng hơn và có thể thích ứng với nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Những chiếc tàu ngầm lớp Seawolf được bố trí tại Căn cứ Hải quân Kitsap ở Tiểu bang Washington và chủ yếu hoạt động ở Thái Bình Dương. Nổi tiếng với khả năng tàng hình, tốc độ và khả năng di chuyển ở vùng nước sâu, chúng vô cùng giá trị cho các hoạt động bí mật và thu thập thông tin tình báo.
Quang Hưng