Kể từ giữa những năm 2000, chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới đã có những nỗ lực để trang bị cho mình các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Cuộc đua chiến đấu cơ thế hệ thứ 5
Không quân Mỹ đưa vào biên chế máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên trên thế giới là F-22 Raptor vào tháng 12/2005. Sau đó, lực lượng này đã tiếp tục đưa máy bay F-35A vào hoạt động trong năm 2016, đây là máy bay đầu tiên trong thế hệ có khả năng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân.

Sau đó, F-35 đã được xuất khẩu sang Israel và Vương quốc Anh, chiếc máy bay này cũng đã được tất cả các đối tác chia sẻ hạt nhân của Washington đặt hàng bao gồm Đức, Bỉ, Hà Lan, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù các quốc gia này không sản xuất vũ khí hạt nhân, nhưng các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân cho phép họ tiếp cận với bom hạt nhân B61-12 của Mỹ được triển khai trên lãnh thổ của họ trong trường hợp chiến tranh, nghĩa là tất cả các quốc gia này đều có thể sử dụng F-35 để tấn công hạt nhân.
Đối trọng với kho vũ khí của các thành viên NATO, Không quân Nga cũng đã đưa trung đoàn máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 đầu tiên vào hoạt động trong năm 2024. Đây là giải pháp ít tốn kém hơn và thay thế cho chương trình MiG 1.42 đầy tham vọng của Liên Xô. MiG 1.42 trước đó dự kiến sẽ đi vào hoạt động khoảng năm 2001 và có khả năng biến Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Trung Quốc là quốc gia thứ hai đưa máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm vào hoạt động khoảng tháng 2/2017 với những chiếc J-20. Ngoài ra, FC-31 - một thiết kế mới dành cho xuất khẩu và nhẹ hơn J-20 đã được Pakistan đặt hàng với mục tiêu đưa vào sử dụng trước cuối thập kỷ này.
Đối mặt với Không quân Pakistan, Không quân Ấn Độ đã được xác nhận vào tháng 2/2024 là đang xem xét một thỏa thuận sản xuất Su-57 theo giấy phép và có khả năng trở thành quốc gia vận hành máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm lớn thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ.
Ấn Độ từ lâu đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến Su-57, đặc biệt kể từ khi chiếc máy bay này được thử nghiệm chiến đấu chuyên sâu tại chiến trường Ukraine. Sau Ấn Độ, quốc gia có vũ khí hạt nhân mới nhất thế giới là Triều Tiên được cho là sẽ tiếp nhận máy bay chiến đấu mới của Nga trong tương lai gần.

Các quan chức Triều Tiên đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua sắm máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga, vào tháng 9/2023 lãnh đạo Triều Tiên đã kiểm tra các cơ sở sản xuất Su-57 tại Nhà máy Hàng không Komsomolsk-on-Amur. Các tuyên bố từ giới lãnh đạo nước này cũng chỉ ra rằng, họ coi việc triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ trong khu vực là mối đe dọa lớn, làm dấy lên suy đoán rằng việc mua sắm Su-57 đang được cân nhắc nghiêm túc.
Pháp vẫn chưa có động thái
Cho đến hiện tại, Pháp vẫn là quốc gia duy nhất có vũ khí hạt nhân nhưng cũng không có lộ trình rõ ràng để đưa máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm vào sử dụng. Quốc gia này cũng đã từ chối mua F-35, điều này khiến Pháp trở thành lực lượng không quân lớn duy nhất ở châu Âu không có loại máy bay này.
Chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS) chung của Pháp-Đức-Tây Ban Nha dự kiến sẽ không sản xuất được máy bay chiến đấu trong hơn hai thập kỷ tới. CEO của công ty hàng không vũ trụ Pháp Dassault Eric Trappier đã giải thích về tình trạng của chương trình FCAS rằng, "Mục tiêu đặt ra vào năm 2040 đã bị bỏ lỡ, các cuộc thảo luận về giai đoạn tiếp theo chắc chắn cũng sẽ kéo dài... vì vậy chúng tôi muốn hướng đến những năm 2050".

Điều này có nghĩa là máy bay chiến đấu sẽ đi vào hoạt động chậm hơn khoảng 20 năm so với máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Mỹ và Trung Quốc. Việc thiếu khả năng chiến đấu hiện đại có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng tồn tại của lực lượng hạt nhân Pháp.
Pháp không chỉ không có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật với mức độ hiệu quả tương đương với các quốc gia có vũ khí hạt nhân khác, mà cơ sở hạ tầng hạt nhân chiến lược của nước này bao gồm cả hạm đội tàu ngầm hạt nhân, cũng sẽ dễ bị tổn thương hơn do thiếu các máy bay chiến đấu cạnh tranh có khả năng bảo vệ.
Trong số chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới, tương lai của phi đội máy bay chiến đấu Pháp và khả năng triển khai vũ khí hạt nhân trên không của nước này có vẻ kém chắc chắn nhất, vì nước này không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc, Nga hoặc Mỹ vì lý do chính trị và không thể sản xuất máy bay tiên tiến tương tự trong nước hoặc với các nước láng giềng châu Âu.
Quang Hưng
Bình luận tiêu biểu (0)