Trong một số bài viết trước, tôi đã có cơ hội trải nghiệm một số sản phẩm của thương hiệu Garmin là vívoactive 5 và Forerunner 265 . Nhưng để thực sự trải nghiệm được “Garmin là như thế nào”, ta phải chuyển tới những mẫu đồng hồ cao cấp với mức giá cao cấp hơn bất cứ smartwatch nào trên thị trường. Hôm nay, ta có một dòng sản phẩm đáp ứng được tiêu chí này là fēnix 8 Series vừa được ra mắt trong một tháng trước.
Dòng sản phẩm này có khá nhiều lựa chọn kích thước, trải dài từ 43mm, 47mm cho tới 51mm; kèm các phiên bản với tính năng khác nhau bao gồm AMOLED (màn hình AMOLED), Solar (có khả năng dùng năng lượng mặt trời để kéo dài thời lượng pin) và E (phiên bản rút gọn với mức giá thấp hơn).
Tại đây tôi cũng có phiên bản fēnix 8 kích thước 51mm với tính năng sạc năng lượng mặt trời, có thời lượng sử dụng ‘khủng’ tới 48 ngày nếu thường xuyên sử dụng ngoài trời. Nhưng như bạn cũng có thể thấy, chiếc đồng hồ này đeo trên cổ tay kích thước nhỏ của tôi nhìn rất ‘quá khổ’, nên tôi chọn sử dụng một phiên bản phù hợp với bản thân hơn là fēnix 8 AMOLED kích thước 43mm .
43mm dù vẫn không thể coi là ‘nhỏ’ trong thế giới đồng hồ nói chung và smartwatch nói riêng, nhưng cũng đã có thể thoải mái đeo trên tay đa phần người Việt.
Nhìn về mặt thiết kế, fēnix 8 AMOLED có dáng vẻ mạnh mẽ, khỏe khoắn với một phần viền kim loại dày dặn xung quanh màn hình 1.4 inch. Đây là một màn hình có độ sáng cao để sử dụng được cả ở điều kiện nắng gắt, cũng cho độ tương phản cao nhờ giao diện nhiều màu đen của Garmin.
Nhìn từ các cạnh bên, vỏ fēnix 8 43mm được hoàn thiện bằng kim loại được bọc một lớp polymer gia cố ở bên ngoài. Đồng hồ có độ dày 13.8mm, đeo trên tay cũng nhô lên 1 khoảng nhưng chưa tới mức ‘quá khổ’, gây khó chịu và vướng víu trong quá trình sử dụng hàng ngày.
Cũng ở 2 cạnh bên, ta cũng có thể thấy chiếc đồng hồ này có hệ thống nút bấm lên tới 5 nút! Đây là một thiết kế đặc trưng của những dòng smartwatch cao cấp từ Garmin, có thể thay thế được hoàn toàn thao tác trên màn hình cảm ứng, hướng tới người tập thể dục thường thích việc bấm nút vật lý hơn là ‘chọt’ trên màn hình.
Hệ thống rung của fēnix 8 có chất lượng cao, rung mạnh nhưng rất chính xác. Mỗi khi bấm các nút bấm điều khiển, đồng hồ cũng sẽ rung lên càng tăng thêm cảm giác vật lý (tactile) khi sử dụng. Việc trang bị bộ rung chất lượng cao cũng đem lại lợi thế cho fēnix 8 trong việc báo tin nhắn, thông báo từ smartphone, thậm chí đôi khi còn làm tôi cảm giác giật mình luôn!
Thao tác điều khiển nhìn chung cũng đơn giản và dễ làm quen: 2 nút ở phía phải là Chọn và Trở lại, 2 nút phía dưới ở cạnh trái dùng để điều khiển giao diện lên và xuống. Nút còn lại là một nút tùy chỉnh, với thao tác mặc định là nhấn 1 lần để bật tắt màn hình, nhấn 2 lần là bật đèn pin được đặt ở cạnh trên fēnix 8. Chiếc đèn này có thể được sử dụng bởi những bạn tham gia bộ môn chạy Trail, Ultra-trail - có thể sẽ phải chạy qua đường rừng nói vào buổi tối thiếu ánh sáng.
Trong tất cả các thương hiệu đang sản xuất smartwatch, tôi vẫn luôn đánh giá cao Garmin nhất trong việc sản xuất dây đeo. Dây đeo của các smartwatch Garmin, từ những chiếc ở tầm giá dễ tiếp cận như vivoactive 5 cho tới cao cấp như fēnix 8 đều rất mềm và ‘dẻo’, nên dù có hơi đeo chặt 1 chút cũng không cho cảm giác như đang ‘thít’ vào tay.
Với những smartwatch chuyên thể thao, thì độ thoải mái vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Như đã đề cập thì fēnix 8 không hề có kích thước nhỏ, trọng lượng cũng ‘nhỉnh’ hơn so với nhiều smartwatch khác trên thị trường, nhưng nhờ vào sợi dây này mà tôi đeo cả ngày cũng không có cảm giác khó chịu, hay để lại vết hằn trên cổ tay sau khi tháo ra.
Dù có là smartwatch cao cấp đi chăng nữa, cách sử dụng của tôi cũng không khác nhiều so với bất cứ sản phẩm nào khác. Các tính năng đo đạc sức khỏe bao gồm đo nhịp tim, biến thiên nhịp tim (HRV), độ bão hòa oxy máu (SpO2), đánh giá độ căng thẳng được tôi đặt theo dõi liên tục để biết được tình trạng sức khỏe theo thời gian dài.
Với các đồng hồ Garmin, tôi chỉ cần sử dụng 1 chỉ số duy nhất để biết được tình trạng sức khỏe trong mỗi thời điểm là Điểm năng lượng cơ thể (Body Battery) với 100 là tràn đầy năng lượng, càng gần tới 0 thì càng mệt mỏi và nên đi nghỉ. Body Battery có thể truy cập nhanh bằng Glance List - một trang với đầy đủ các chỉ số mà người dùng cảm thấy cần thiết và có thể ‘ngó’ qua nhanh.
Một tính năng hay khác của fēnix 8 cũng như những đồng hồ Garmin khác mà các thương hiệu khác cũng có thể học hỏi đó là Buổi tin buổi sáng. Khi cài đặt đồng hồ, ta sẽ chọn giờ ngủ và giờ thức dậy, và mỗi ngày trong suốt thời gian này đồng hồ sẽ vào chế độ không làm phiền với màn hình tiết kiệm pin để tránh gây xao nhãng lúc ngủ, và khi tỉnh dậy sẽ hiện các thông số cần thiết cho một ngày mới: Lời chào buổi sáng, dự báo thời tiết, độ phục hồi, đề xuất bài tập cho ngày hôm đó và 1 lời động viên như “Hãy ra khỏi vùng an toàn của bạn và đánh bại ngày hôm qua”.
Đồng hồ cũng có tính năng điều khiển bằng giọng nói, cho phép người dùng ra lệnh để thực hiện cuộc gọi trên smartphone, hoặc điều khiển các chức năng đồng hồ khi ngoại tuyến. Với bộ môn chạy bộ chẳng hạn, bạn sẽ để smartphone trong túi hoặc để luôn ở nhà, trong lúc chạy vẫn có thể ‘nói’ với đồng hồ để điều khiển nhạc, xem quãng đường, bật đèn LED…
Cũng với những bạn chạy bộ, fēnix 8 có khả năng điều hướng bằng bản đồ nâng cao, cho phép người dùng nhập bản đồ và nhận đề xuất đường chạy để quay lại vị trí ban đầu đúng giờ. Ngoài ra còn có bản đồ TopoActive - loại bản đồ 3D có cả địa hình cao thấp có thể sử dụng trong chạy bộ, sân golf và bộ môn trượt tuyết.
Vậy khi sử dụng fēnix 8 để đi chạy thì trải nghiệm thực tế sẽ như thế nào? Như đã đề cập ở trên, mặc dù đồng hồ không nhỏ gọn nhưng vẫn cho cảm giác đủ thoải mái, bám tay nên dù có vung vẩy cũng không thay đổi vị trí trên tay, không bị cấn trong suốt quá trình chạy. Trong lúc chạy, màn hình hiển thị thông số trên các đồng hồ Garmin trong đó có fēnix 8 hướng tới sự tối giản, chỉ hiển thị các thông số cần thiết nhất trên nền đen (trừ bản đồ) để tránh gây xao nhãng.
Chỉ khi kết thúc buổi chạy, đồng hồ mới hiện tất cả những thông số tổng kết bao gồm: Thời gian, quãng đường, biểu đồ nhịp độ, vùng nhịp tim, công suất, hiệu quả hoạt động cũng như thời gian phục hồi để có thể tiếp tục với bài tập tiếp theo.
Ngoài sử dụng để chạy, tôi cũng đeo fēnix 8 suốt cả một ngày để sử dụng các tính năng ‘smartwatch’ khác và cũng cảm thấy hài lòng với chất lượng pin của chiếc smartwatch này. Cách sử dụng của tôi bao gồm: Bật màn hình luôn hiện, sử dụng các tính năng theo dõi sức khỏe 24/7, không theo dõi giấc ngủ (khi đi ngủ tôi không thích đeo đồng hồ), theo dõi 3 lần chạy thì đồng hồ cho thời lượng pin khoảng 7 ngày.
Garmin công bố rằng chiếc đồng hồ này có thể ‘trụ’ được tới 10 tiếng, nhưng có lẽ cách sử dụng của tôi nhiều hơn so với điều kiện thử nghiệm nên thời lượng dùng thực tế chỉ còn 70%. Nhưng thời lượng pin 1 tuần cũng đã nằm ở mức cao trong thị trường smartwatch hiện nay, mỗi khi tôi lấy đồng hồ dùng thì sẽ tự tin rằng nó vẫn còn pin để sử dụng tiếp chứ không, chứ không ‘động vào là thấy ngỏm’ như smartwatch của 1 số hãng khác!
Chỉ đúng mục đích sử dụng thì mới đáng 30 triệu Đồng!
Để đánh giá một cách công bằng, hiện nay đã có rất nhiều dòng smartwatch hiện đại có thể làm được tới 90% tính năng mà Garmin fēnix 8 có thể làm được. Một số tính năng đặc biệt của chiếc smartwatch này có thể kể tới đèn pin tích hợp, bản đồ TopoActive và tính năng sạc pin bằng năng lượng mặt trời của phiên bản Solar.
Để tạo điểm khác biệt với thị trường, fēnix 8 có chất lượng hoàn thiện rất chắc chắn, độ bền bỉ cao (chuẩn quân đội Mỹ về khả năng chịu nhiệt, chống va đập, kháng nước), hệ thống nút bấm phù hợp với thể thao, dây đeo thoải mái và thời lượng pin cao.
Với số đông người dùng, đặc biệt là những bạn không chơi những bộ môn thế mạnh của fēnix 8 (chạy bộ, chạy đường trường, leo núi, chơi golf, trượt tuyết, lặn, HIIT) thì mức giá 30 triệu sẽ là quá cao, và sẽ có rất nhiều lựa chọn giá rẻ phù hợp hơn. Nhưng với ai đã thường xuyên sử dụng đúng mục đích, có điều kiện tài chính dư dả, yêu thích thương hiệu Garmin và triết lý thiết kế đồng hồ của thương hiệu này thì giá bán cao lại không còn là rào cản nữa!