Đề xuất 8 mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình số 22/TTr – BTC gửi Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.
Dự thảo Nghị định gồm 3 chương, 10 điều, Bộ Tài chính đề xuất đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là ô tô (xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự) đã đăng ký, kiểm định để lưu hành. Đồng thời, quy định một số trường hợp xe không chịu phí sử dụng đường bộ do: bị hủy hoại, bị tịch thu, bị tai nạn không thể sử dụng tiếp sau sửa chữa; xe không sử dụng đường bộ trong thời gian dài trên 30 ngày (trong đó, có xe kinh doanh vận tải của doanh nghiệp kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục 30 ngày trở lên).
Dự thảo Nghị định cũng đề xuất 5 trường hợp miễn phí gồm: Xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe phục vụ tang lễ, xe chuyên dùng phục vụ lực lượng quốc phòng, công an.
Dự kiến mức thu phí áp dụng cho ô tô (trừ xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an) chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe: từ 130.000 đồng/tháng đến 1.430.000 đồng/tháng; xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an chia làm 2 nhóm: xe ô tô con mức 1.000.000 đồng/năm; xe tải, xe khách: 1.500.000 đồng/năm (phí sử dụng đường bộ nộp cho xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an do NSNN đảm bảo).
Về cách tính và thu phí, Bộ Tài chính đề xuất xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an: Bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nộp phí cho toàn bộ xe ô tô mình quản lý 1 lần/năm. Các xe ô tô còn lại nộp theo: chu kỳ đăng kiểm; theo năm dương lịch; theo tháng đối với trường hợp doanh nghiệp có số phí phải nộp từ 30 triệu đồng trở lên.
Triển khai đợt kiểm tra tải trọng cầu, đường bộ để có giải pháp xử lý
Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Cục đường bộ Việt Nam đề nghị khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT công trình đường bộ thực hiện rà soát về tình trạng kỹ thuật, khổ giới hạn và tải trọng các công trình cầu, đường bộ, đặc biệt là kiểm tra các cầu có kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, cầu dây văng.
Nếu phát hiện công trình hư hỏng, xuống cấp và không đảm bảo tải trọng, khổ giới hạn thì đơn vị có thẩm quyền cần đưa ra giải pháp xử lý như sửa chữa, cắm biển hạn chế tải trọng, khổ giới hạn…
Đối với các cầu yếu đã được kiểm định, đảm bảo tải trọng khai thác theo quy định thì đơn vị sẽ dỡ biển hạn chế tải trọng, đồng thời, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam để công bố khổ giới hạn và tải trọng phù hợp.
Ngoài ra, đối với việc cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe bánh xích thì cơ quan có thẩm quyền về cấp giấy phép lưu hành sẽ trao đổi thông tin và thống nhất hành trình lưu thông của phương tiện.
Trường hợp đường bộ có hai chiều lưu thông mà một chiều có cầu với tải trọng, khổ giới hạn hoặc đường bộ không đảm bảo an toàn thì các đơn vị nghiên cứu phương án tổ chức giao thông một chiều hoặc hướng dẫn cho phương tiện đi lộ trình khác phù hợp với thực tế.
Kiến nghị mở các lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ đăng kiểm viên
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo mở các lớp bồi dưỡng, đánh giá cấp chứng chỉ cho đăng kiểm viên để sớm khôi phục hoạt động của các trung tâm.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, hiện tại, trên địa bàn Thủ đô chỉ còn khoảng 30% số lượng đăng kiểm viên còn làm việc, dẫn đến tình trạng quá tải, ùn ứ tại các trạm đăng kiểm ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng.
Đặc biệt, một số trung tâm đăng kiểm đang bị cơ quan điều tra tạm giữ nhiều thiết bị, có thiết bị kiểm tra khí thải. Các thiết bị này phải mất nhiều thời gian để đặt mua hàng (dự kiến 2-3 tháng), ảnh hưởng đến kế hoạch khôi phục hoạt động.
Phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhìn nhận theo chu kỳ kiểm định phương tiện trong tháng 3-4/2023, số lượng phương tiện đến hạn đăng kiểm dự báo sẽ tăng cao, tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông tại các khu vực đăng kiểm là không tránh khỏi, thậm chí có khả năng đứt gãy hệ thống.
Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo mở các lớp bồi dưỡng, đánh giá cấp chứng chỉ cho đăng kiểm viên, đăng kiểm viên bậc cao để tạo nguồn nhân lực vận hành các trung tâm đăng kiểm.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng kỳ vọng Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ bổ sung đăng kiểm viên cho Hà Nội để sớm khôi phục hoạt động của các trung tâm; điều phối các đăng kiểm viên giữa các địa phương để bảo đảm duy trì hoạt động đăng kiểm đồng thời nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích, đào tạo nguồn nhân lực để bổ sung cho các trung tâm đăng kiểm đang hoạt động.
Thành Đô (tổng hợp)