Bộ GTVT đề xuất cấp bách thu phí đường bộ cao tốc
Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật, Bộ GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành về dự luật Đường bộ (được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ 2008). Điểm đáng chú ý trong dự luật là việc cơ quan soạn thảo bổ sung quy định tạo cơ chế huy động nguồn tài chính để phát triển đường bộ cao tốc.
Theo Bộ GTVT, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước phải đảm đương trên 239.000 tỉ đồng. Nếu giữ quy định hiện hành thì “không có cách nào huy động được vốn để tái đầu tư đường bộ cao tốc”.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông tính theo số kilomet xe chạy trên tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư và do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư; các nguồn thu liên quan đến sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Tại buổi họp của ngành giao thông ngày 10-7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng giao Vụ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung hoàn thiện quy định pháp luật về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách, làm cơ sở để triển khai thu phí theo yêu cầu của Quốc hội. “Đây là vấn đề rất cấp bách, cấp thiết nên phải triển khai nhanh” - ông Thắng nói.
Đề xuất bỏ giấy phép lái xe hạng A1 và B2
Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đang được lấy ý kiến, sẽ thay đổi phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) so với quy định cũ, tức sẽ không còn GPLX hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC như Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành.
Cụ thể, tại Điều 39 dự thảo Luật TTATGT đường bộ sẽ thay đổi phân hạng giấy phép lái xe so với quy định cũ. Theo đó, sẽ không còn giấy phép lái xe hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC.
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ cũng quy định thời hạn của GPLX. Cụ thể, GPLX hạng A2, A, A3 không thời hạn. GPLX hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. GPLX hạng C1, C, D2, D, BE, C1E, CE, D2E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
Ngoài ra, Dự thảo Luật TTATGT đường bộ quy định GPLX đã được cấp theo Luật Giao thông đường bộ 2008 được tiếp tục sử dụng, đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 (GPLX được cấp lại), 3 (GPLX được đổi) Điều 43 dự thảo Luật thì được đổi, cấp lại theo phân hạng mới.
Xử phạt cán bộ vi phạm nồng độ cồn, gây tai nạn giao thông
Chiều tối ngày 12/7, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cán bộ Công an vì có hành vi vi phạm trong điều khiển phương tiện, có nồng độ cồn trong hơi thở vượt ngưỡng cho phép.
Theo đó, đã quyết định xử phạt số tiền 46 triệu đồng đối với ông V.V.Ng (SN 1985, trú tổ 1, phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi), trong đó, phạt tiền 35 triệu đồng với lỗi điều khiển xe ôtô trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt 0,4miligam/lít khí thở; phạt tiền 11 triệu đồng lỗi điều khiển phương tiện không đi đúng phần đường gây TNGT. Đồng thời, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi tạm giữ phương tiện đối với xe ôtô BKS 76A-059.82 để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt.
Trước đó, ông Ng. điều khiển ô tô BKS 76A-059.82 vi phạm đi không đúng phần đường, gây TNGT. Qua kiểm tra nồng độ cồn đối với ông Ng cho kết quả là 1,272mg/l, vượt quá mức quy định.
Ngoài các quyết định xử phạt trên, cơ quan chức năng còn ra quyết định tước GPLX (hạng B2) của ông Ng đến hết ngày 1/11/2024 (thời điểm GPLX hết hạn).
Nguyễn Luận (tổng hợp)