Đồng loạt thi công 3 dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam
Thông tin từ Ban QLDA Đường sắt, trong quý I/2023 3 dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam được thi công đồng loạt. Đây là các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, 3 dự án được cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM tại 3 đoạn: Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn (giai đoạn 2).
Theo đó, Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội - Vinh (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư khoảng 811 tỷ đồng, trên tổng chiều dài dự án khoảng 319,202km. Hiện đã khởi công gói thầu xây lắp 01, gồm cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Hà Nội - Thanh Hóa, thay ray, tà vẹt, đá tại các khu gian Thường Tín - Chợ Tía, Ninh Bình - Cầu Yên, Đồng Giao - Bỉm Sơn và thi công cầu tại Hà Nam...
Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Vinh - Nha Trang (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư khoảng 1.189 tỷ đồng, trên tổng chiều dài khoảng 995,728km. Hiện đã xong bước lựa chọn nhà thầu một gói thầu xây lắp, thương thảo hợp đồng, dự kiến khởi công cuối tháng 3/2023.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Nha Trang - Sài Gòn (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.098 tỷ đồng, trên chiều dài khoảng 411km, vừa được khởi công ngày 26/1/2023. Đến nay đã triển khai thi công 2 gói thầu xây lắp tại 8 khu gian. Tại những vị trí này không cải tuyến, làm nền, chỉ thi công thay đá, tà vẹt, ray. Cùng đó đã bắt đầu thi công một số cầu trên tuyến.
Đề xuất cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S chính hãng được tham gia đăng kiểm ô tô
Ngày 26/3, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tại đề xuất sửa đổi Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ những tồn đọng trong lĩnh vực này.
Cụ thể, Cục đang đề xuất sửa đổi quy định hiện hành bắt buộc đăng kiểm viên phải có trình độ đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí. Ngoài ra phải có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên, sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch mới đủ điều kiện cấp chứng chỉ đăng kiểm viên thường. Đối với đăng kiểm viên bậc cao thì ngoài trình độ trên còn phải có kinh nghiệm là đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng.
Ngoài ra, đề xuất cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí, có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ôtô, có thời gian thực tập nghiệp vụ được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên.
Dự thảo nghị định cũng đề xuất mỗi dây chuyền chỉ cần tối thiểu một đăng kiểm (thay vì 3 như hiện nay) để khai thác tối đa năng lực các đơn vị đăng kiểm. Thực tế, nhiều trung tâm chỉ có 1-2 đăng kiểm viên nên toàn bộ dây chuyền phải đóng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề xuất mỗi dây chuyền được kiểm định không giới hạn công suất. Quy định hiện hành yêu cầu một dây chuyền loại I kiểm định không quá 90 xe, dây chuyền loại II không quá 70 xe/ngày.
Dự thảo nghị định cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô (3S, 4S) có trang thiết bị, nhân lực đáp ứng quy chuẩn được phép kiểm định ô tô hay đăng kiểm của quân đội, công an được tham gia khi cần trưng dụng.
Thử nghiệm công nghệ điều phối khai thác siêu hiện đại tại 2 sân bay lớn
Theo thông tin của Báo Giao thông, Cục Hàng không VN đã phê duyệt Tài liệu hướng dẫn khai thác áp dụng mô hình A-CDM cho giai đoạn 1 và Kế hoạch thử nghiệm thực tế tại 2 Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Được biết, theo kế hoạch, giai đoạn 1 được đưa vào thử nghiệm ngay trong tháng 3/2023. Cụ thể, Cảng HKQT Nội Bài sẽ triển khai thử nghiệm từ 6/3 đến ngày 30/4. Cảng HKQT Tân Sơn Nhất triển khai từ ngày 27/3 đến 27/4.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo TCT Cảng hàng không VN (ACV) cho hay: Thực hiện cam kết với Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về lộ trình thực hiện A-CDM trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ACV đã thiết lập mô hình A-CDM tại Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất dưới sự tư vấn và hỗ trợ của Đơn vị tư vấn hàng không đến từ Hà Lan.
“ICAO khuyến cáo các cảng hàng không, sân bay có tần suất cất hạ cánh trên 100.000 lượt chuyến/năm nên áp dụng mô hình A-CDM”, lãnh đạo ACV nói và cho biết thêm: Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hai cảng HKQT lớn nhất cả nước với sản lượng chuyến bay đều đạt trên 100.000 lượt chuyến/năm.
“Việc triển khai A-CDM sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở hạ tầng sân bay; cải thiện các chỉ số liên quan đến khai thác đúng giờ, giảm thiểu các kế hoạch phân bổ vị trí đỗ, quầy làm thủ tục, cửa ra máy bay; tối ưu thời gian quay đầu của tàu bay; cải thiện khả năng dự báo tình huống và tiết kiệm thời gian bay; giảm thiểu tắc nghẽn trên đường lăn, sân đỗ; Tối ưu thứ tự khởi hành; Tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả vận chuyển…”, lãnh đạo ACV khẳng định.
Nguyễn Luận (T/h)