Đề xuất giá dịch vụ kiểm định tăng thêm tới 220.000 đồng
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có tờ trình gửi liên Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính về đề nghị điều chỉnh mức thu giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới đang lưu hành.
Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm và duy trì hoạt động ổn định cho hệ thống đăng kiểm xe cơ giới, Cục Đăng kiểm đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị lập phương án giá gửi cục.
Tính đến ngày 19/5, Cục Đăng kiểm đã nhận được 101 phương án giá từ 122 trung tâm đăng kiểm xe gửi về. Qua rà soát, Cục Đăng kiểm đã loại bỏ 25 phương án giá kê khai chi phí quá cao so với năm trước liền kề nhưng không có thuyết minh chi tiết hoặc tỷ lệ lợi nhuận dự kiến để ở mức cao (20%).
Trên cơ sở này, Cục Đăng kiểm đã lựa chọn 76 phương án đại diện cho 96 trung tâm đăng kiểm xe làm cơ sở lập phương án đề xuất liên Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính xem xét, điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định.
Cụ thể, phương án giá bình quân dựa trên cơ sở xác định sản lượng, tổng chi phí của hoạt động kiểm định của hệ thống các đơn vị đăng kiểm đồng thời xác định mức lợi nhuận tạm tính là 10% trên giá thành và thuế suất thuế VAT 10% trên cơ sở giá thành cộng lợi nhuận dự kiến để xác định giá dịch vụ kiểm định đối với ô tô dưới 10 chỗ ngồi để quy đổi mức giá kiểm định giữa các nhóm xe.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm đề nghị bổ sung mức giá lập hồ sơ phương tiện đối với những xe được miễn kiểm định lần đầu là 50.000 đồng. Trường hợp in lại tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định đối với tình huống chủ xe bị mất tem, giấy chứng nhận kiểm định hoặc xin lưu hành trở lại (sau khi xin dừng nghỉ lưu hành) thì thu bằng 50% mức giá lập hồ sơ phương tiện.
Như vậy, đề xuất xây dựng mức giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ có mức tăng từ 30.000-220.000 đồng/lượt xe.
Chính thức triển khai xử phạt nguội xe quá tải ở TP.HCM
UBND TP.HCM vừa ban hành quy trình thí điểm xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vận tải hàng hóa bằng xe ô tô thông qua việc sử dụng thiết bị cân tải trọng tự động. Thời gian thực hiện quy trình thí điểm là 1 năm.
Phạm vi triển khai gồm: Trạm kiểm tra tải trọng xe số 3, khu vực cầu Ông Lớn (hướng lưu thông từ huyện Bình Chánh đi quận 7) và Trạm kiểm tra tải trọng xe số 6, số 7 tại khu vực Trạm thu phí An Sương – An Lạc.
Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, UBND TP giao Sở GTVT tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện để tham mưu, đề xuất UBND TP về phương án tổ chức thực hiện phù hợp.
Trước đó, TP cũng đề xuất Bộ GTVT triển khai thí điểm phạt nguội ở khu vực trạm kiểm tra tải trọng tự động tại cầu Ông Lớn và Trạm thu phí An Sương - An Lạc.
Lý do triển khai phạt nguội xe quá tải là do công tác đảm bảo an ninh trật tự và kiểm tra, xử lý xe vi phạm quá tải đang gặp nhiều khó khăn như việc phối hợp dừng xe, truy đuổi, xử lý các hành vi chống đối, gây rối trật tự khu vực trạm cân.
Lập báo cáo tiền khả thi mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 10 làn xe
Ban Quản lý dự án (QLDA) 7, Bộ GTVT vừa có cuộc làm việc với UBND tỉnh Long An và các sở, ngành liên quan để lấy ý kiến về báo cáo tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Theo đó, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi qua địa bàn TP.HCM, Long An và Tiền Giang là một phần của dự án đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, đây là tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây của TP.HCM kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây. Với quy mô hiện tại, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương không đáp ứng nhu cầu vận tải. Do đó, cần sớm nghiên cứu để đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này theo quy hoạch, đáp ứng được nhu cầu lưu thông trên tuyến, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL cũng như của cả nước.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Ban QLDA 7, dự án đầu tư mở rộng Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Dự án có điểm đầu tại Km 10+000 (sau nút giao Chợ Đệm), thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Điểm cuối tại Km 49+620 (trước nút giao Thân Cửu Nghĩa), thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tổng chiều dài khoảng 39,6km.
Với quy mô đầu tư mở rộng giai đoạn 2 thêm 4 làn xe để đạt quy mô 8 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp (tổng cộng 10 làn xe), tốc độ thiết kế 120km/giờ với tổng mức đầu tư khoảng 9.765 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ GTVT.
Chủ đầu tư sẽ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư hoàn thành trong năm 2023; tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định, quyết định đầu tư hoàn thành trong năm 2024; tổ chức lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, thẩm định, quyết định duyệt thiết kế hoàn thành trong năm 2025.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)