Trở lại mức thuế 10%, VEC đồng thời tăng phí cao tốc
Kể từ 0 giờ ngày 1/1 năm nay, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng từ 8% lên 10% trong mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc các tuyến đường cao tốc gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh phí sử dụng đường bộ trên cao tốc có một số thay đổi nhỏ so với mức cũ được thay đổi so với mức cũ được niêm yết tại các trạm thu phí do thay đổi cách làm tròn số của mức phí Theo đó phương thức thu phí hệ thống đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư là phương thức thu phí kín. Cước phí được tính theo số km phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc.
Giai đoạn trước đây khi chưa áp dụng thu phí không dừng (ETC), để phù hợp với các mệnh giá tiền lẻ đang được lưu thông trên thị trường đồng thời thuận lợi cho việc giao dịch (giảm thời gian dừng chờ tại trạm, chống ùn tắc…), VEC đã tính toán giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc trên nguyên tắc làm tròn các mệnh giá cước phí, phần lớn đều giảm so với giá trị thực, được tính toán theo hướng có lợi cho người tham gia giao thông.
Đơn cử, dự án Cầu Giẽ-Ninh Bình thu phí xe loại 2 chặng Đại Xuyên-Liêm Tuyền tính toán là 62.100 đồng nhưng giá niêm yết là 60.000 đồng, chặng Đại Xuyên-Cao Bồ xe loại 1 theo tính toán là 75.045 đồng nhưng giá niêm yết là 70.000 đồng, xe loại 2 là 112.568 đồng nhưng giá niêm yết là 100.000 đồng; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây với xe loại 2 chặng Long Phước-Dầu Giây tính toán 152.949 đồng nhưng giá niêm yết là 150.000 đồng; dự án Nội Bài-Lào Cai với xe loại 1 chặng IC3-trạm Km237 theo tính toán 284.225 đồng nhưng giá niêm yết là 280.000 đồng...).
Hiện nay, việc áp dụng thu phí không dừng đã được triển khai nên mức thu phí trở về với giá trị thực mà người tham gia giao thông cần chi trả.
Đề xuất tăng phí sát hạch lái xe ô tô, xe máy
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.
Theo đó, dự thảo điều chỉnh tăng mức phí sát hạch lái xe từ 10-20% mức phí hiện hành quy định tại Thông tư số 188/2016/TT-BTC (riêng sát hạch lý thuyết lái xe mô tô tăng 50%).
Cụ thể, đối với thi sát hạch lái xe mô tô (hạng xe A1, A2, A3, A4): Phí sát hạch lý thuyết sẽ là 60.000 đồng/lần thay cho mức 40.000 đồng/lần hiện nay; phí sát hạch thực hành sẽ là 70.000 đồng/lần thay cho mức 50.000 đồng/lần hiện nay.
Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F): Phí sát hạch lý thuyết từ 90.000 đồng/lần tăng lên mức 100.000 đồng/lần; phí sát hạch thực hành trong hình từ 300.000 đồng/lần tăng lên mức 350.000 đồng/lần.
Dự thảo cũng bổ sung mức phí sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông 100.000 đồng/lần.
Giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết chữ, Cục Đăng kiểm nói gì?
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết ông Hồ Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) không biết chữ, không đọc được và mới chỉ học lớp 3 cách đây 50 năm.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 4/1, đại diện Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, Trung tâm đăng kiểm 50-17D là đơn vị do tư nhân đầu tư. Ông Hồ Hữu Tài mặc dù là Giám đốc nhưng không phải đăng kiểm viên, không phải người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của Trung tâm hay ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các phương tiện.
Trung tâm đăng kiểm 50-17D hiện có một dây chuyền kiểm định loại II với 6 đăng kiểm viên. Trong đó, ông Trần Thanh Vinh, Phó giám đốc Trung tâm, là người điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới.
Nghị định 139 quy định lãnh đạo trung tâm đăng kiểm là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của đơn vị và ký giấy chứng nhận kiểm định. Người này phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng.
Đại diện Cục Đăng kiểm lý giải, trung tâm đăng kiểm hoạt động như một doanh nghiệp, sẽ có nhiều lãnh đạo cùng điều hành. Quy định trên được áp dụng với lãnh đạo chịu trách nhiệm chuyên môn, tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định xe.
Khi soạn thảo quy định về xã hội hóa trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm đã lường trước các vấn đề này, song việc lựa chọn lãnh đạo trung tâm là do doanh nghiệp đầu tư thực hiện. Do đó, bên cạnh các đơn vị làm tốt vẫn còn có đơn vị lựa chọn người lãnh đạo chưa có năng lực.
Thực tế, có lãnh đạo Trung tâm kiểm định không phải là đăng kiểm viên, chỉ hiện diện với vai trò quản lý tài chính, tài sản của chủ đầu tư. Ở những trung tâm này, Phó giám đốc phụ trách là đăng kiểm viên và chịu trách nhiệm ký giấy chứng nhận kiểm định phương tiện và tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)