Tạp chí Newsweek ngày 23/9 đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tới Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York và sau đó tới Washington, nơi ông sẽ giới thiệu một "kế hoạch chiến thắng" với Tổng thống Mỹ Joe Biden, lưỡng viện Quốc hội Mỹ, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Kamala Harris và ông Donald Trump.
Newsweek đã liên hệ với Văn phòng Tổng thống Ukraine để đề nghị bình luận về các chi tiết trong kế hoạch vẫn chưa được công bố chính thức của ông Zelensky, nhưng 3 điểm chính đã xuất hiện dựa trên các tuyên bố công khai của ông.
Buộc Nga tiến tới hòa bình
Theo Newsweek, các lực lượng Nga đã duy trì được đà tiến công ở miền đông Ukraine trong phần lớn thời gian của năm nay. Điện Kremlin cũng đã bác bỏ công thức hòa bình 10 điểm của ông Zelensky, trong đó có yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi lãnh thổ Ukraine.
Nhưng một nguồn tin thân cận với Tổng thống Ukraine nói với tờ Kyiv Independent rằng, “kế hoạch chiến thắng” sẽ buộc Tổng thống Nga không được phớt lờ công thức hòa bình hoặc hội nghị thượng đỉnh để chấm dứt chiến tranh nữa.
Leon Hartwell - cộng sự cấp cao tại tổ chức tư vấn LSE IDEAS thuộc Trường Kinh tế London - cho biết, "Một tiền đề cốt lõi của kế hoạch là sự thừa nhận rằng Nga, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, đã không tiếp cận các cuộc đàm phán một cách thiện chí."
"Trong khi ông Putin tuyên bố sẵn sàng đối thoại, Moscow vẫn cam kết giành chiến thắng trên chiến trường", Hartwell nói với Newsweek, "việc từ chối đàm phán để chấm dứt cuộc chiến này xuất phát từ niềm tin của Nga rằng họ vẫn có thể giành chiến thắng về mặt quân sự".
Hartwell tin rằng một giải pháp trong điều kiện hiện tại sẽ quá tốn kém và do đó Tổng thống Zelensky có ý định thay đổi cán cân quyền lực, cả trên chiến trường và trong các cuộc đàm phán trong tương lai, trong khi từ chối nhượng lại bất kỳ vùng đất nào của Ukraine.
Theo Newsweek, các quan chức Ukraine đã bác bỏ các tin đồn rằng bản kế hoạch bao gồm lệnh ngừng bắn một phần. Tổng thống Zelensky cho biết vào ngày 18/9 rằng sẽ không có việc đóng băng cuộc chiến hoặc động thái nào khiến Nga tập hợp lại và tái khởi động chiến dịch quân sự của mình sau này.
Trong khi đó, Hartwell nhận định, cuộc tấn công của lực lượng Ukraine vào vùng Kursk của Nga - mà họ tuyên bố là đã chiếm được khoảng 1.300 km2 - cho phép Kyiv mặc cả về lãnh thổ mà nước này muốn giữ lại.
"Ông Zelensky biết rằng vị thế của Ukraine càng mạnh trong chiến đấu thì cơ hội giành được các điều khoản thuận lợi tại bàn đàm phán càng cao", Hartwell nói.
Đảm bảo an ninh
Ukraine đã không được kết nạp vào NATO và các liên minh quốc tế khác một phần là do bất đồng giữa các thành viên liên minh. Nhưng tờ The Times (Anh) đưa tin rằng, một phần trong “kế hoạch chiến thắng” của Tổng thống Ukraine sẽ là các đảm bảo an ninh theo hướng hiệp ước phòng thủ chung giữa các thành viên liên minh.
Tờ báo cũng cho biết ông Zelensky muốn người Mỹ "chống Trump" ủng hộ Ukraine, trong bối cảnh ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump và liên danh tranh cử JD Vance cho rằng xung đột ở Ukraine có thể kết thúc bằng cách nhượng lại lãnh thổ cho Nga.
Một nhà ngoại giao phương Tây (ẩn danh) nói với The Times rằng, kết quả của cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới là yếu tố quan trọng trong các tính toán của Moscow về các cuộc đàm phán, đặc biệt là nếu có thể có một chính phủ Mỹ quyết tâm ủng hộ Kyiv dưới thời chính quyền bà Kamala Harris.
Nếu ông Trump thắng và đưa ra cho Nga "một lối thoát giá rẻ, thì đó là sự kết thúc [với Ukraine]", nhà ngoại giao này nói thêm.
Còn theo chuyên gia Hartwell, ông Biden, bà Harris và ông Trump "có thể sẽ thận trọng về việc cam kết hỗ trợ quân sự quá mức trong thời gian chuẩn bị cho tháng 11".
"Sự bất ổn chính trị này có thể làm suy yếu niềm tin của ông Zelensky vào viện trợ quân sự liên tục của Mỹ."
Hỗ trợ tiếp theo của phương Tây
Theo Newsweek, chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky trùng với nỗ lực của Nhà Trắng nhằm chuẩn bị một gói viện trợ quân sự mới trị giá 375 triệu USD cho Kyiv. Ukraine muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ này nhưng cũng tìm kiếm sự cho phép của Washington để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga bằng các loại vũ khí do Mỹ cung cấp như tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất ATACMS, mà Washington hiện chưa chấp thuận bởi lo ngại leo thang xung đột.
Ukraine cho biết họ cần phải tiến hành các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga như các sân bay thực hiện các cuộc tấn công bằng bom dẫn đường từ sâu bên trong nước Nga.
"Câu hỏi chính vẫn là liệu ông Zelensky có thể đảm bảo được sự ủng hộ cần thiết của Mỹ cho các biện pháp này hay không", Hartwell nói. "Hơn nữa, liệu ông Putin có coi mối đe dọa về một cuộc tấn công sâu hơn của Ukraine là đủ nguy hiểm để thúc đẩy ông đàm phán không?"
Tổng thống Ukraine Zelensky từng được tờ The New Yorker hỏi về sự thay đổi trong giọng điệu khi trước đây ông nói về "chiến thắng hoàn toàn" cho Ukraine và việc khôi phục biên giới năm 1991, nhưng hiện tại đã dần cởi mở hơn với các cuộc đàm phán thông qua các hội nghị thượng đỉnh hòa bình.
Tuy nhiên, khi định nghĩa chiến thắng cho Kyiv, ông Zelensky nói với The New Yorker rằng, đó sẽ là điều gì đó "có kết quả làm hài lòng tất cả mọi người - những người tôn trọng luật pháp quốc tế, những người sống ở Ukraine, những người mất đi người thân và họ hàng".
Hartwell cho biết: "Kế hoạch của ông Zelensky cũng có khả năng nhấn mạnh đến hậu quả khủng khiếp của việc không hành động ngay bây giờ. Một cuộc chiến kéo dài sẽ khiến hàng nghìn người tử vong và cuối cùng có thể nghiêng cán cân về phía Nga."
Hữu Hiển