Áp lực học tập luôn là chủ đề nóng hổi và nhận được nhiều sự quan tâm hiện đại, khi mà giáo dục ngày càng trở nên cạnh tranh và đòi hỏi cao. Học sinh ngày nay phải đối mặt với gánh nặng không nhỏ từ việc theo đuổi thành tích học tập xuất sắc, đồng thời cân bằng với các hoạt động ngoại khóa và áp lực từ xã hội và gia đình.
Mới đây, đoạn clip một nữ sinh tại Trung Quốc bật khóc nức nở lúc 3h đêm được các bậc phụ huynh truyền tay nhau rầm rộ. Theo nội dung đoạn video, khi thấy con gái đột nhìn òa khóc vào lúc đêm muộn, người mẹ vô cùng hoảng, liên tục hỏi: "Con đang làm gì đấy?". Đáp lại, cô bé vừa khóc vừa nức nở nói: "Con làm xong bài tập rồi, con làm xong bài tập rồi".
Nữ sinh khóc nức nở vì quá vui sau khi hoàn thành xong bài tập về nhà
Có thể thấy, nguyên nhân khiến nữ sinh bộc phát cảm xúc mạnh như vậy không phải bị ai đánh hay bắt nạt mà đơn giản chỉ là… hoàn thành xong bài tập về nhà. Tin được không, chỉ hoàn thành bài tập về nhà mà khiến một học sinh vui đến phát khóc?
Theo tìm hiểu, đoạn clip này thực chất đã xuất hiện từ năm 2021, nhưng đến thời điểm hiện tại nó vẫn thường xuyên được đào lại và vẫn khiến netizen phải tranh luận về vấn đề những áp lực mà học sinh phải đối mặt hàng ngày.
Khoảnh khắc đau lòng trên được quay vào thời điểm nữ sinh trong clip đang học lớp 8. Trả lời báo chí lúc đó, chị gái của cô bé cho biết do kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ngày càng khó, để đáp ứng các yêu cầu của kỳ thi, dù còn 1 năm nữa mới đến kỳ thi nhưng em gái của cô đã phải học thêm kín tuần. Lượng bài tập về nhà vì thế cũng chất hàng núi, nữ sinh thường phải thức đến 3-4 giờ sáng để làm bài.
"Lúc đó em tôi vì làm xong hết bài tập nên chắc vui quá, không kiềm chế được cảm xúc. Tôi cũng bất lực mà không biết làm thế nào để giúp em. Giờ không chịu được cái khổ của học hành thì sau này phải chịu cái khổ của cuộc sống thôi", người chị cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay, học sinh đang phải đối mặt với muôn vàn áp lực học tập từ nhiều phía khác nhau. Gia đình, với mong muốn con cái đạt thành tích xuất sắc, không ít lần đặt ra những kỳ vọng cao, thúc đẩy con em mình phải nỗ lực không ngừng. Điều này, khi không được điều chỉnh một cách phù hợp, có thể dẫn tới áp lực thành tích, khiến học sinh cảm thấy lo lắng, mệt mỏi và thậm chí là sợ hãi trước mỗi kỳ thi. Ở trường ở lớp, các thầy cô cũng giao nhiều bài tập, tổ chức thi cử liên tục khiến các em rơi vào trạng thái áp lực.
Xã hội hiện đại, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, cũng mang đến những áp lực mới. Học sinh không chỉ so sánh thành tích học tập của bản thân với bạn bè trong trường mà còn với những hình mẫu hoàn hảo trên mạng. Sự so sánh này thường xuyên gây ra cảm giác tự ti, mặc cảm và lo sợ bị đánh giá, từ đó tạo ra áp lực tâm lý không hề nhỏ với các bạn học sinh. Ngoài ra, việc phải cân bằng giữa học tập và các hoạt động ngoại khóa, cùng với định hướng nghề nghiệp từ sớm, cũng tạo căng thẳng không đáng có.
Áp lực học tập không chỉ tác động đến hiệu quả học tập, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của học sinh. Sự mất cân bằng này có thể dẫn đến stress, trầm cảm và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó, việc tìm ra giải pháp để giảm thiểu áp lực học tập, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, cân bằng và hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện là một yêu cầu cấp thiết đối với cả gia đình, nhà trường và xã hội hiện nay.
Làm cách nào để giúp học sinh vượt qua áp lực học tập?
Để giúp học sinh vượt qua áp lực học tập, cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Gia đình nên tạo điều kiện cho con em có không gian học tập yên tĩnh, đồng thời động viên và hỗ trợ tinh thần để con không cảm thấy quá tải. Cần khuyến khích trẻ sắp xếp thời gian hợp lý, chia nhỏ mục tiêu học tập để không bị áp đảo bởi khối lượng công việc lớn.
Nhà trường cần xây dựng chương trình giáo dục linh hoạt, giảm bớt áp lực thi cử và tăng cường phương pháp học tập tích cực, khuyến khích học sinh tự khám phá kiến thức. Các thầy cô giáo cũng nên quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần của học sinh.
Ngoài ra, việc tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao cũng quan trọng để cân bằng giữa việc học và thời gian nghỉ ngơi, giúp cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Học sinh cũng nên được học các kỹ năng quản lý thời gian để tự mình đối phó với áp lực.
Xã hội cần nhìn nhận và đánh giá cao những nỗ lực của học sinh thay vì chỉ chú trọng vào thành tích. Chúng ta nên hình thành một quan niệm giáo dục lành mạnh, nhấn mạnh vào việc học hỏi lâu dài và phát triển toàn diện cá nhân.
Cuối cùng, học sinh cần được học cách tự nhận thức và chấp nhận rằng không phải lúc nào cũng cần phải hoàn hảo. Việc học cách chấp nhận thất bại và coi đó là bước đệm để tiến bộ cũng là cách quan trọng giúp giảm bớt áp lực học tập.
Đông (Tổng hợp)